Theo đại biểu Trần Thị Vân, nghệ nhân được ví như báu vật nhân văn sống, sợi dây níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian và là người giữ lửa cho di sản. Tuy nhiên Luật Di sản văn hóa (2001) chưa quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, đến năm 2009, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa quy định tại Điều 26, trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và ưu đãi đối với nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn.
Đến năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Nhưng theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản Văn hóa, từ khi Luật được ban hành đến nay chỉ có 20/1881 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu được hưởng chế độ này.
Đại biểu Trần Thị Vân nhất trí với việc bổ sung quy định về chính sách đãi ngộ đối với tất cả các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 13 như dự thảo luật mà không bị hạn chế, chỉ quy định với nghệ nhân có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn như luật hiện hành.
Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu chỉ quy định như trên thì mới chỉ có Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú được hỗ trợ mà chưa đề cập đến chính sách đối với Nghệ nhân dân gian.
“Trong khi Nghệ nhân dân gian là danh hiệu cao quý của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam được Hội xét duyệt kỹ lưỡng, trao cho những người có thành tích trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ 2003 đến nay (hơn 20 năm), thì Hội cũng mới chỉ phong tặng cho 747 nghệ nhân”, ĐBQH Trần Thị Vân nêu.
Đại biểu cũng đề nghị nên cân nhắc khi quy định số tiền cụ thể mức hỗ trợ các nghệ nhân tại Điều 17, 18, 19 trong dự thảo Nghị định trình kèm với hồ sơ dự án Luật. Thay vì mức hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân là 2 triệu đồng, Nghệ nhân ưu tú 1,5 triệu đồng/tháng, và chế độ mai táng phí là 10 triệu đồng/người thì nên quy định mức hỗ trợ tối thiểu đối với Nghệ nhân nhân dân là 1,5 lần mức lương cơ sở, Nghệ nhân ưu tú là 1 lần, Nghệ nhân dân gian 0,7 lần và chế độ mai táng phí là 5 lần mức lương cơ sở để vừa đảm bảo tính ổn định lâu dài, không phải sửa Nghị định, vừa đảm bảo mức hỗ trợ phù hợp, xứng đáng đối với các nghệ nhân, khích lệ họ thêm yêu nghề, truyền nghề, khích lệ lớp nghệ nhân kế cận là những người trẻ tích cực tham gia bảo tồn và phát huy di sản.