Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW

Để văn hóa thấm vào mọi tầng lớp nhân dân

- Thứ Bảy, 22/06/2019, 07:35 - Chia sẻ
“Sức mạnh mềm” văn hóa sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, tạo ra giá trị gia tăng và lợi thế so sánh cho sản phẩm hàng hóa nói chung, sản phẩm văn hóa nói riêng; xây dựng thành các ngành công nghiệp - kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Văn hóa không thể tách rời con người

 “5 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ đã đạt được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, song quá trình triển khai vẫn bộc lộ một số bất cập. Đó là tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn đơn điệu, nghèo nàn… Nguyên nhân thì nhiều, nhưng nguyên nhân nội tại liên quan đến ngành văn hóa, là công tác quản lý nhà nước về văn hóa vẫn chậm; việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng… Vì thế, tới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất những giải pháp đưa văn hóa phát triển theo kịp sự phát triển của các lĩnh vực khác; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước…”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện

Chiều 21.6, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014). Theo Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Bùi Hoài Sơn, việc xây dựng và phát triển văn hóa không thể tách rời xây dựng và phát triển con người. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, với nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh các giải pháp hành chính, pháp luật, văn hóa, giáo dục… các đơn vị, địa phương cần chú trọng cải thiện đời sống vật chất của người dân, giải quyết việc làm bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh góp ý, nhiệm vụ của văn hóa và xây dựng con người văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cần phải thực hiện đồng bộ. Hà Nội đang nỗ lực xây dựng là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả nước, phấn đấu làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức xã hội, mọi lĩnh vực đời sống. Cũng theo bà Trần Thị Vân Anh, việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, lấy gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị… là nơi để mỗi người dân thể hiện nếp sống văn minh, thanh lịch; đẩy mạnh sự nghiệp văn học nghệ thuật, văn hóa, thể thao, tạo ra các sản phẩm văn hóa mới có chất lượng tốt.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, ngành văn hóa đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW thời gian tới như: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đặc biệt phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người dân…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ban Bí thư có kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và tăng mức đầu tư cho văn hóa đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước để văn hóa có điều kiện phát triển ngang hàng kinh tế, chính trị…


Nguồn: Tuyengiao.vn

Phát triển công nghiệp văn hóa

Đánh giá quá trình thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua và giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa thời gian tới, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng cho hay, trên thế giới công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp không nhỏ vào GDP và tạo nhiều việc làm. Ở Việt Nam 10 năm trở lại đây, nhất là sau khi Việt Nam tham gia Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa năm 2007, chúng ta càng có ý thức sâu sắc hơn về vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội.

“Văn hóa chính là sức mạnh mềm, tạo điều kiện cho Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, tạo ra những giá trị gia tăng và lợi thế so sánh cho sản phẩm hàng hóa nói chung, sản phẩm văn hóa nói riêng; xây dựng thành các ngành công nghiệp - kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Bùi Nguyên Hùng nói.

Số liệu cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP nhiều quốc gia, như: Hàn Quốc có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của công nghiệp văn hóa khoảng 10%; Nhật Bản chiếm 6,6% doanh thu toàn ngành công nghiệp và có 2,19 triệu người làm việc trong ngành công nghiệp văn hóa (2011); Trung Quốc, công nghiệp văn hóa đóng góp 3,76% vào GDP (2014); Singapore, công nghiệp văn hóa chiếm 2,8 - 3,2% tổng sản phẩm quốc nội… Vì vậy, theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh, việc phát triển thị trường, từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa thông qua hoạt động quảng bá là việc nên làm trong giai đoạn hiện nay. Đó là những công việc thiết thực nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm văn hóa trong nước, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng.

Hương Sen