Đề thi có sự giảm nhẹ về độ khó
Theo thầy Nguyễn Mạnh Cường, Giáo viên Toán, Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán của Sở GD-ĐT Hà Nội năm học 2024-2025 vẫn giữ được tính ổn định về cấu trúc so với các năm gần đây; đồng thời bám sát cấu trúc định dạng và đề minh họa do Sở đã công bố ngày 2.5.2024, nhưng có sự giảm nhẹ về độ khó. Bên cạnh đó, đề vẫn có sự phân hóa để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Về phạm vi kiến thức và độ khó, cấu trúc đề thi vẫn bao gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó với các dạng bài đã rất quen thuộc nhằm tránh gây ra sự xáo trộn, bỡ ngỡ cho thí sinh.
Bài 1 là dạng quen thuộc và không gây khó khăn cho các bạn thí sinh khi làm bài.
Bài 2 giữ nguyên tính ổn định về cấu trúc và dạng bài. Ý đầu là bài toán giải bài toán bằng cách lập phương trình - hệ phương trình có yếu tố thực tế. Thí sinh cần có khả năng phân tích đề, chọn từ khóa và dữ kiện mấu chốt để giải quyết bài toán. Ý 2 là câu hỏi liên quan đến hình học không gian, thí sinh chỉ cần vận dụng đúng công thức là tìm ra đáp án.
Bài 3 là các dạng bài quen thuộc và có giảm nhẹ về độ khó (ý 2b). Cấu trúc bài toán tương tự như các năm gần đây, gồm câu hỏi giải hệ phương trình đưa về bậc nhất và câu hỏi về sự tương giao giữa đồ thị hai hàm số. Trong đó, ở ý 2b, thí sinh cần vận dụng định lí Vi-et để xử lí (biểu thức đề bài cho đã giảm bớt các bước biến đổi để vận dụng định lí).
Với bài 4, tương tự như đề thi các năm trước, đây là một bài toán về hình học và các dạng bài xuất hiện trong các câu hỏi đều là dạng bài quen thuộc như chứng minh tứ giác nội tiếp, chứng minh góc bằng nhau, chứng minh đẳng thức và chứng minh đường thẳng đi qua điểm. Ý c của bài toán vẫn luôn là câu hỏi khó, dành để phân loại thí sinh. Tuy nhiên, các yêu cầu về mặt kiến thức và kĩ năng đều có sự giảm nhẹ so với đề thi năm 2023 - 2024 và so với đề minh họa.
Bài 5 vẫn là bài toán về bất đẳng thức và là câu hỏi có tính phân loại của đề. Bài toán giảm về độ khó và để giải quyết bài toán, thí sinh cần vận dụng linh hoạt các kỹ năng biến đổi biểu thức và áp dụng bất đẳng thức hợp lí, đúng thời điểm với các dữ kiện đề bài đã cho.
“Dự kiến, mức điểm trung bình của thí sinh có thể rơi vào khoảng 7 điểm”, thầy Nguyễn Mạnh Cường nhận định.
Phổ điểm tập trung trong khoảng từ 7 - 7,5, sẽ có nhiều điểm 9 và 9,5
Thầy Đỗ Văn Bảo, giáo viên Toán Trường phổ thông liên cấp Vinschool, giáo viên Tuyensinh247.com cho rằng đề thi đáp ứng được yêu cầu kiểm tra đánh giá học sinh và có yếu tố phân hóa. Hàm lượng kiểm tra kiến thức và kỹ năng cơ bản cao, không đánh đố học sinh. Học sinh chỉ cần có thời gian ôn luyện, thực hành giải tốt các dạng toán cơ bản và làm bài cẩn thận thì hoàn toàn có thể hoàn thành 75% đến 80% đề thi một cách nhanh chóng.
Hơn nữa, một số câu phân hóa học sinh nhưng cũng không quá khó, học sinh vẫn có thể tư duy để tìm hướng giải được. Những câu hỏi mang tính phân hóa là bài I ý 3, Bài III ý 2b, bài IV ý 3 và bài V.
Thầy Bảo nhận định, phổ điểm tập trung trong khoảng từ 7 đến 7,5, sẽ có nhiều điểm 9 và 9,5. Nếu quản lý thời gian tốt, tính toán cẩn thận, trình bày đầy đủ, học sinh khá hoàn toàn có thể đạt được từ điểm 8 trở lên.
“Nhìn chung, đề năm nay cũng không thay đổi nhiều về mặt cấu trúc kiến thức và cũng không có đột biến về các dạng bài toán thực tế. Đề thi đáp ứng được yêu cầu kiểm tra đánh giá học sinh và có yếu tố phân hóa.
Học sinh trung bình chỉ cần chú ý cẩn thận trong tính toán và trình bày lập luận chặt chẽ sẽ được điểm 6,5 đến 7, học sinh trung bình khá có thể dễ dàng đạt được từ 7,5 đến 8 trở lên. Học sinh khá giỏi nếu cẩn thận hoàn toàn có thể đạt được để các điểm từ 9 trở lên”, thầy Đỗ Văn Bảo nói.