Cấu trúc đề thi hướng đến đánh giá năng lực toàn diện
Theo nhận định của Giảng viên chính Bộ môn Ngoại ngữ, Trường THPT Chuyên, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cô giáo Hồ Huyền, đề thi từ năm 2025 tập trung vào kỹ năng đọc hiểu, vì đây là kỹ năng tích hợp, cho phép kiểm tra trực tiếp và gián tiếp các bình diện về kiến thức ngôn ngữ như từ vựng, ngữ pháp cũng như khả năng tiếp nhận, xử lý, và vận dụng các kĩ năng khác như nói và viết.
Các ngữ liệu được sử dụng đều mang tính thời sự và thực tiễn, giúp học sinh thể hiện được khả năng tiếp nhận và xử lý ngôn ngữ thông qua các tình huống quen thuộc trong đời sống và các tài liệu truyền thông về những chủ đề phổ biến.
Cấu trúc đề thi được chia thành 6 phần, mỗi phần đảm nhiệm một vai trò cụ thể trong việc đánh giá năng lực:
Phần 1 & 2: Kiểm tra khả năng sử dụng được các kiến thức ngôn ngữ trong các văn bản có tính thực tiễn cao.
Phần 3: Kiểm tra khả năng xây dựng thông tin một cách logic theo cấu trúc văn bản chuẩn.
Phần 4: Kiểm tra khả năng phân tích được các văn bản học thuật cả về mặt ngữ nghĩa và cấu trúc thông tin.
Phần 5: Kiểm tra khả năng đọc hiểu được văn bản có độ dài từ 280 đến 300 từ, đánh giá khả năng tìm kiếm, định vị và hiểu thông tin chi tiết trong văn bản.
Phần 6: Kiểm tra khả năng đọc hiểu chuyên sâu các văn bản có độ dài tương tự, đánh giá khả năng phân tích được tính thống nhất và mạch lạc của văn bản, tổng hợp thông tin và xác định được các biện pháp tu từ để hiểu được các lớp ý nghĩa của thông tin trong văn bản.
Bài thi phù hợp chuẩn năng lực ngôn ngữ của thí sinh
Bài thi được thiết kế cho thí sinh đã hoàn thành chương trình tiếng Anh THPT 2018, có trình độ tiếng Anh ở mức 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương mức B1 theo Khung Tham chiếu Ngôn ngữ Chung Châu Âu (CEFR).
Ngữ pháp và từ vựng: Các câu hỏi ngữ pháp và từ vựng trong bài thi giúp thí sinh áp dụng các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng đã học trong ngữ cảnh thực tế.
Đọc hiểu: Với thời gian 50 phút, thí sinh có đủ thời gian để đọc và hiểu các đoạn văn ở mức độ khó như trong bài thi, đồng thời thông qua kĩ năng này thí sinh có thể thể hiện khả năng xử lý thông tin trong các tình huống giao tiếp nói và viết.
Các tác vụ trong bài thi có tính đa dạng cao, nội dung ngữ liệu hấp dẫn và thời gian hoàn thành thể hiện mức độ thử thách vừa đủ.
Các đoạn văn trong bài thi bao gồm các chủ đề như công nghệ, mạng xã hội, bảo vệ môi trường và đô thị hóa, là những vấn đề có tính thời sự và gần gũi với thí sinh. Điều này giúp thí sinh dễ dàng tiếp cận và đồng thời giữ được sự hứng thú khi làm bài.
Các câu hỏi không tập trung thiên về kiểm tra ngữ pháp và từ vựng mà tập trung đánh giá khả năng ứng dụng chúng trong các tình huống giao tiếp thực tế, phù hợp với chuẩn đầu ra của chương trình tiếng Anh THPT 2018.
Với thời gian hoàn thành 50 phút, bài thi đã mang lại mức độ thử thách vừa đủ cho thí sinh:
Ngữ pháp và từ vựng (hai bài đầu): Đây là hai bài ở mức độ trung bình với các hiện tượng từ vựng, ngữ pháp quen thuộc, nghĩa trong ngữ cảnh khá tường minh, dễ nhận biết, thí sinh có thể xử lý các câu lần lượt mà không cần phải sắp xếp trả lời theo mức độ dễ đến khó. Thời gian để các thí sinh hoàn thành hai bài tập này mất khoảng 7 - 9 phút.
Sắp xếp câu (bài số 3): Thử thách về việc sắp xếp câu đòi hỏi thí sinh phải tư duy logic và hiểu rõ mạch văn, tuy nhiên, thời gian của bài thi đủ để thí sinh hoàn thành phần này một cách kỹ lưỡng mà không bị áp lực về thời gian. Thời gian mà các thí sinh có thể hoàn thành phần bài tập này mất khoảng 5 - 7 phút tùy vào năng lực ngôn ngữ của các thí sinh.
Đọc hiểu (ba bài cuối): Thí sinh cần đầu tư thời gian tương đối lớn cho phần này để đọc kỹ từng đoạn văn, phân tích thông tin và trả lời câu hỏi không được vội vàng do phần này gồm những văn bản có tính học thuật cao hơn như về đô thị hóa, rô-bốt, và ngôn ngữ, đòi hỏi thí sinh phải dành thời gian suy nghĩ, tư duy kĩ lưỡng.
Bài đọc hiểu đầu tiên là bài yêu cầu hoàn thành đoạn văn với thử thách về kiến thức ngôn ngữ ở cấp độ phân tích ngữ pháp văn bản nên đòi hỏi thí sinh phải đọc rất kĩ, hiểu nội dung, cấu trúc thông tin, thì mới chọn được đáp án đúng (phần cần điền là cụm từ, mệnh đề hay cả câu hoàn chỉnh). Bài này chiếm ít nhất một khoảng thời gian là 6 phút của các thí sinh.
Bài thứ 2 là một bài đọc yêu cầu trả lời các câu hỏi (ở dạng trắc nghiệm) xác định thông tin được trình bày khá tường minh trong văn bản. Bài đọc này không quá khó để hầu hết các thí sinh đều có thể hoàn thành. Một thí sinh có mức học trung bình cũng có thể hoàn thành bài đọc này trong khoảng 10 phút.
Bài đọc hiểu thứ 3, cũng là tác vụ cuối cùng của bài thi, mức độ khó cao nhất trong bài thi với mười câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải đọc rất kĩ, phân tích sâu văn bản mới có thể chọn đúng được câu trả lời cho các câu hỏi về tính thống nhất, tính mạch lạc, rồi tóm tắt nội dung văn bản, ... Bài tập có tính phân loại cao đối với thí sinh dự thi này sẽ chiếm thời gian của một thí sinh có năng lực ngôn ngữ khá khoảng 13 -15 phút. Thời gian còn lại để đọc soát kĩ lại bài thi là khoảng 3 phút.
Như vậy, với một học sinh trung bình hoặc khá, để hoàn thành bài thi này trong vòng 50 phút là một thử thách vừa đủ để đạt mục tiêu. Vì vậy, với phân tích trên thì bài thi có tính phân loại rõ rệt giữa các thí sinh có mức năng lực ngôn ngữ khác nhau.
Bài thi đạt tiêu chuẩn cho một bài thi đánh giá tốt nghiệp với tư cách là môn thi tự chọn. Ngoài ra, độ phân hóa của bài thi có khả năng cao cho phép các trường đại học sử dụng kết quả thi để tích hợp với các phương án tuyển sinh của mình.