Để quyền trẻ em đi vào cuộc sống
(ĐBNDO) - Vấn đề không phải là liệt kê ra bao nhiêu quyền, mà quan trọng là cơ chế pháp lý thực hiện quyền đó như thế nào để quyền trẻ em được tôn trọng và được thực thi trong cuộc sống. Đây là ý kiến được nêu ra tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 23.3 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, dự thảo luật có 5 khoản tương ứng với 5 nguyên tắc được bảo đảm thực hiện. Theo ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), nguyên tắc là những quy định mà cá nhân, tổ chức bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình thực hiện các hoạt động của mình, hoặc theo cách hiểu khác đó là các tiêu chuẩn được định hướng cho các hành vi của con người, tổ chức trong quá trình hoạt động để giúp con người hay tổ chức đó đạt được mục tiêu của mình. Cũng như mọi tổ chức khác, để đạt được mục tiêu của mình, Nhà nước cần phải đặt ra những nguyên tắc nhất định để hướng cho tổ chức và hoạt động quản lý Nhà nước nói chung và việc bảo đảm quyền và bổn phận của trẻ em nói riêng. Trong các nguyên tắc không thể thiếu được việc bảo đảm tuân thủ đúng Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, đại biểu Thúy đề nghị QH bổ sung thêm một Khoản mới vào Điều 6 và được quy định là Bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ em.
![]() | |
ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) | Nguồn: Quochoi.vn |
Đồng tình với việc quy định về bổn phận của trẻ em, ĐBQH Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho biết, đối chiếu với các nội dung của Dự Luật đã trình tại Kỳ họp thứ Mười về quyền và bổn phận của trẻ em thì Dự thảo lần này đã được sắp xếp và bố cục lại khá cơ bản. Đại biểu cũng bày tỏ sự tán thành với với việc không thay từ “bổn phận” thành từ “trách nhiệm”.
Đại biểu Thắm lý giải: “giữ nguyên như dự thảo là nhằm kế thừa các quy định tại Luật năm 1991 và 2004. Mặt khác, sử dụng từ bổn phận nhằm cho thấy sự khuyến khích trẻ em trong quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách luôn có sự định hướng của Nhà nước, gia đình và xã hội về sự ý thức với bản thân, với gia đình và với xã hội”. Bên cạnh đó những quy định này sẽ giúp người lớn thấy được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, tạo điều kiện và tiếp sức cho trẻ em thực hiện bổn phận của mình.
![]() | |
Ảnh minh họa | Ảnh: Duy Thông |
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Thắm, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bổn phận theo lý giải của UBTVQH là những quy định mang tính định hướng để giáo dục trẻ em có ý thức với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng và giúp người lớn thấy được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, tạo điều kiện và hỗ trợ trẻ em thực hiện. Đây là trách nhiệm, do vậy đối với quy định tại Điều 41 dự thảo luật như quy định trẻ em không được đánh bạc, sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, văn hóa phẩm đồi trụy… cần quy định như là điều cấm, thay vì bổn phận để tăng trách nhiệm với bản thân của trẻ em.
Các quyền của trẻ em đã được quy định cụ thể tại chương II dự thảo luật tại 12 đến điều 36 gồm 25 quyền cơ bản, theo ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam), việc quy định này đã tiến gần hơn đến các nhóm quyền cơ bản quy định tại Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em.
![]() | |
ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) | Ảnh: Quang Khánh |
Tuy nhiên đại biểu Hiền băn khoăn: “Vấn đề không phải là liệt kê ra bao nhiêu quyền, mà quan trọng là cơ chế pháp lý thực hiện quyền đó như thế nào để quyền trẻ em được tôn trọng và được thực thi trong cuộc sống. Nếu cứ liệt kê đầy đủ các quyền trẻ em nhưng không có cơ chế bảo vệ và thực hiện quyền thì trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị xâm hại nhất”.
Theo đại biểu, tự bản thân các em không thể tự bảo vệ các quyền cơ bản của mình được vì trẻ em chưa có đủ khả năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị tổn hại. Do đó, trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em phải thuộc về cha mẹ, gia đình, người giám hộ, sau đó là nhà trường, các cơ sở nuôi dưỡng, giáo dục và cả hệ thống chính trị. Đề nghị dự thảo luật quy định rõ hơn cơ chế thực hiện quyền trẻ em và cơ chế này phải được toát lên trong từng điều luật.