Để nông nghiệp, bệ đỡ của nền kinh tế, ngày càng vững chắc cần vai trò của Nhà nước

- Thứ Ba, 09/07/2013, 08:39 - Chia sẻ
Vài năm trở lại đây, nông nghiệp nước ta đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII, những mảng sáng – tối của nông nghiệp cũng như công tác điều hành, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này đã được các ĐBQH tập trung thảo luận khá kỹ. Theo ĐBQH NGUYỄN NGỌC HÒA (TP HỒ CHÍ MINH), các ĐBQH đã đưa ra những yêu cầu khá mạnh mẽ đối với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phải có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp… và đề nghị, ngay sau Kỳ họp của QH, cần triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả các yêu cầu của ĐBQH, trong đó có yêu cầu về nâng cao hơn nữa vai trò của Nhà nước. Có như vậy, nông nghiệp – bệ đỡ của nền kinh tế - mới thực sự vững chắc.

- Thông thường kỳ họp giữa năm không thật nặng về các vấn đề KT - XH. Song thực tế, tại Kỳ họp thứ Năm,  đã xuất hiện khá dày đặc trong chương trình nghị sự của QH. Đại biểu đánh giá như thế nào về điều này?

- Thông thường, Kỳ họp giữa năm, QH chỉ xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ KT - XH và ngân sách nhà nước của năm trước và những tháng đầu năm nay. Chương trình nghị sự chính thức của QH tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, thời gian dành cho các vấn đề KT - XH, ngân sách cũng không phải là nhiều so với các hoạt động lập pháp, giám sát... Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ các phiên họp của QH thì thấy, các vấn đề KT - XH đã được các ĐBQH tập trung thảo luận rất nhiều, không chỉ tại Phiên họp toàn thể đánh giá tình hình KT - XH, ngân sách mà cả các phiên họp về giám sát, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn, chất vấn và trả lời chất vấn hay xây dựng pháp luật. Điều này thể hiện sự quan tâm của ĐBQH đối với các vấn đề KT - XH, ngân sách, đồng thời cũng phản ánh một thực tế khó khăn của nền kinh tế.

Các vấn đề KT - XH đã được đặt lên bàn nghị sự của QH ở nhiều góc độ khác nhau với thái độ nghiêm túc và thẳng thắn. Điều này còn cho thấy, trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, ĐBQH, QH chủ động vào cuộc với các cơ quan quản lý, điều hành vĩ mô, cùng nhau bàn bạc, thảo luận để tìm giải pháp.

Tôi rất mừng là tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, các ĐBQH đã tập trung phân tích và đánh giá khá kỹ lĩnh vực nông nghiệp. Từ nhiều Kỳ họp trước, chúng ta đã khẳng định, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế. Khi kinh tế rơi vào suy thoái, lạm phát tăng cao do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 2008, 2009 thì nông nghiệp đã chứng tỏ vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, nhất là việc góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giữ được sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, bệ đỡ của nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Khi thảo luận về KT - XH hay chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, các đại biểu đã tập trung phân tích những mảng sáng – tối của nông nghiệp cũng như công tác điều hành quản lý của Bộ trưởng nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung. Các ĐBQH cũng đã đưa ra nhiều yêu cầu đối với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan khác về việc phải có giải pháp hỗ trợ nền nông nghiệp cụ thể hơn và hiệu quả hơn, có chính sách giúp người nông dân vượt qua khó khăn và làm cho nông nghiệp có đóng góp nhiều hơn, xứng đáng hơn với vai trò, vị trí trong nền kinh tế và góp phần bù đắp sự sụt giảm từ các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ, bất động sản... Cá nhân tôi cho rằng, yêu cầu của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Năm là khá mạnh mẽ, cần triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các yêu cầu này.

- Nhiều ĐBQH cũng bày tỏ lo ngại về mức độ phụ thuộc của nền nông nghiệp nước ta đối với một số nước. Theo đại biểu, nên xử lý vấn đề này như thế nào để bệ đỡ của nền kinh tế ngày càng vững vàng hơn?

- Đây là vấn đề mà nhiều ĐBQH lo lắng. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã trả lời chất vấn về vấn đề này. Song để xử lý được câu chuyện này, tôi cho rằng, cần vai trò rất lớn của Nhà nước. Ví dụ, việc nhập khẩu hàng hóa nông sản của nước ngoài là không thể tránh khỏi vì chúng ta đã mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề đặt ra là, không thể để bị lệ thuộc vào nước ngoài đối với những mặt hàng nông sản mà nước ta có khả năng sản xuất, thậm chí là sản phẩm của ta có chất lượng tốt hơn các mặt hàng cùng loại của nước ngoài. Như vậy, cần phải có hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn những sản phẩm kém chất lượng, những sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng an toàn... Đó là việc của Nhà nước, là trách nhiệm của Nhà nước. Hay trong chiến lược xuất khẩu hàng nông sản, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu thì các cơ quan của Nhà nước, các bộ chủ quản phải có bộ phận tham mưu để hoạch định chiến lược đưa nông sản nước ta thâm nhập thị trường các nước. Chẳng hạn, xuất khẩu nông sản nước ta sang thị trường Trung Quốc thì cần phải xác định rõ: sản phẩm chủ lực là gì? Mùa nào xuất khẩu sản phẩm nào?... Hiện nay, vẫn còn tình trạng tự phát, thị trường nước ngoài rộ lên mua sản phẩm nào thì ta xuất khẩu sản phẩm đó. Khi họ thay đổi chiến lược, điều chỉnh chính sách thì hàng nông sản của ta bị ách lại đầy ắp ở biên giới; người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cũng mang tính tự phát, chưa có chiến lược, chưa gắn với chiến lược xuất khẩu hàng nông sản của cả nước. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là phải hỗ trợ, tạo ra môi trường, tạo ra định hướng cho người dân để người ta thấy rõ hướng đi, không bị lung lay bởi những tác động mang tính chất tự phát của thị trường. Điều này cũng sẽ góp phần quan trọng để sắp xếp, phân bổ nguồn lực của xã hội một cách hợp lý, hiệu quả.

- Tại Kỳ họp thứ Năm, QH tiếp tục yêu cầu Chính phủ tập trung điều hành để từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển... Trong bối cảnh Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đã được ban hành từ đầu năm nay nhưng việc triển khai trên thực tế còn chậm, yêu cầu của QH tại Kỳ họp thứ Năm sẽ tác động như thế nào đến việc thực hiện nhiệm vụ này, thưa Đại biểu?

- Nghị quyết của Chính phủ được ban hành khá kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp này không phải một sớm, một chiều đã có có tác dụng ngay, cho kết quả ngay. Trong điều hành vĩ mô của chúng ta có một đặc điểm mà tôi đề nghị cần phải rút kinh nghiệm. Chúng ta rất dễ và cũng rất giỏi trong việc ngồi lại với nhau để phê bình, góp ý, phác thảo, nhận diện vấn đề và đưa ra giải pháp. Nhưng sau đó lại chưa tập trung thích đáng vào khâu thực thi giải pháp. Giải pháp mà Chính phủ, Quốc hội đề ra để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế vừa qua là đầy đủ rồi. Vấn đề bây giờ là tất cả mọi người, mọi ngành, mọi cấp từ doanh nghiệp, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành phải bắt tay vào cuộc với tinh thần quyết liệt thì mới đưa được nền kinh tế, đưa được doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn. Việc thực hiện các giải pháp cũng cần hết sức linh hoạt và bám sát diễn biến thực tế của nền kinh tế. Ví dụ, trước đây, chúng ta cho rằng, vấn đề khó khăn của doanh nghiệp là lãi suất quá cao. Nhưng thực tế bây giờ đã khác. Lãi suất đã giảm nhưng vẫn không đưa được tiền vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy, giải pháp của Nhà nước, bên cạnh việc hỗ trợ, tạo thuận lợi thì phải kèm theo các cơ chế ràng buộc để buộc các doanh nghiệp phải suy nghĩ, phải tìm cho mình một lối đi.

Lâu nay, khi nhắc đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, tôi có cảm giác là chúng ta cứ mặc nhiên nghĩ rằng, đó là việc của Nhà nước, trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, dưới góc độ một doanh nghiệp, tôi cho rằng, cần phải đặt vấn đề ở chiều ngược lại: bản thân doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp mình như thế nào? Nếu doanh nghiệp cứ đi theo lối mòn trước đây, đầu tư ở những ngành nghề không thực sự có lợi thế cạnh tranh thì sẽ không thể hoạt động hiệu quả được. Khi đó, dù có giảm lãi suất bao nhiêu đi chăng nữa, doanh nghiệp cũng không thể vay được. Bản thân doanh nghiệp phải đánh giá lại ngành nào, nghề nào, lĩnh vực nào mình còn có cơ hội tạo ra lợi thế cạnh tranh thì tập trung đầu tư vào đó. Khi đó, câu chuyện tiếp cận vốn sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Đây là câu chuyện mà mỗi doanh nghiệp, mỗi người chủ doanh nghiệp cần phải nghiêm túc suy nghĩ, tính toán chứ không ai làm thay doanh nghiệp được.

- Đại biểu vừa đề cập đến một câu chuyện không mới trong công tác điều hành vĩ mô, đó là chính sách, giải pháp tốt nhưng khâu thực thi thì vừa chậm, vừa yếu làm giảm hiệu quả của chính sách. Vậy theo Đại biểu, từ phía các cơ quan của QH và QH có nên tăng cường giám sát việc thực thi chính sách điều hành vĩ mô hay không?

- Tôi nghĩ là rất nên. Hoạt động giám sát của QH, các cơ quan của QH ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, QH, các cơ quan của QH có nên thay đổi cách thức giám sát hay không? Ví dụ hiện nay, chúng ta thường giám sát các chuyên đề mang tính chất tổng quan nhiều hơn thì tới đây có nên lựa chọn thêm các nội dung giám sát chuyên sâu, đi vào những vấn đề cụ thể để có tác dụng ngay hay không? Bên cạnh đó, lâu nay, chúng ta giám sát xong, đưa ra các kiến nghị, các kết luận rồi dừng lại ở đó. Tôi nghĩ, có lẽ nên thay đổi theo hướng: sau một khoảng thời gian nhất định, sẽ tiến hành giám sát lại các nội dung đã giám sát trước đây, tập trung vào việc thực hiện các kiến nghị, kết luận mà cơ quan giám sát đã đưa ra trong lần giám sát trước. Muốn vậy, trong giám sát lần đầu, cơ quan giám sát và cơ quan chịu sự giám sát cần thảo luận với nhau một cách thẳng thắn, cùng bàn, cùng đưa ra giải pháp, mỗi giải pháp như vậy có lộ trình thực hiện như thế nào, phấn đấu trong một năm, hai năm hay bao nhiêu năm... Sau đó, đúng lộ trình đặt ra, cơ quan giám sát quay trở lại giám sát việc thực hiện của cơ quan chịu sự giám sát. Tôi nghĩ, giám sát đi, giám sát lại như vậåy thì hiệu quả điều hành vĩ mô cũng như thực thi chính sách, pháp luật sẽ tốt hơn.

- Xin cám ơn Đại biểu!

B. Long thực hiện