Để nhân tài được trọng dụng

- Thứ Tư, 07/04/2021, 06:44 - Chia sẻ
Ngay sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng, trong bài phát biểu nhậm chức của mình, một trong năm vấn đề mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới, đó là xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; coi trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Điều này cho thấy, người đứng đầu Chính phủ rất quan tâm đến nguồn nhân lực, nhân tài. Bởi không ai khác, chính những người này sẽ đóng góp tích cực cho sự đổi mới, phát triển đất nước.

Ở nước ta quan điểm về trọng dụng nhân tài có từ lâu, từ thời phong kiến, đã có phương thức “chiêu hiền, đãi sĩ” để thu hút người tài. Các nghị quyết của Đảng sau này cũng đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhân tài đối với phát triển kinh tế - xã hội. Trong Văn kiện Đại hội VI, Đại hội VII, Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của giáo dục là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Tại Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”, “lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu, có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Có thể thấy, trọng dụng và thu hút nhân tài là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta. Nhiều văn bản, chính sách thời gian qua cũng đã được ban hành để thể chế chủ trương này. Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, theo đó, quy định về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, Luật nêu rõ, nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Căn cứ vào quy định của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan căn cứ vào quy định của Luật này để quyết định chế độ trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quy định chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do cấp tỉnh quản lý.

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã có những chính sách đào tạo và thu hút nhân tài. Chính sách “rải thảm” đón nhân tài được thực hiện tùy thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương. Điều này là rất cần thiết nếu muốn xây dựng đội ngũ nhân lực đủ đức, đủ tài “đứng chân” ở trong bộ máy.

Dù vậy, chính sách trọng dụng không phải lúc nào cũng tạo được lực hút đối nhân tài. Hàng năm, các địa phương dù có chính sách thu hút các cử nhân tốt nghiệp “bằng đỏ” nhưng không phải ai cũng mặn mà với chính sách chiêu mộ này. Thậm chí, có những trường hợp sau khi được đào tạo ở nước ngoài, trở về nước để làm việc, để cống hiến, nhưng chỉ một thời gian ngắn, họ lại đành “dứt áo ra đi” vì môi trường làm việc không phù hợp. Điều đó cho thấy, chính sách đãi ngộ là chưa đủ. Muốn thu hút người tài cần tạo cho họ một môi trường làm việc đặc biệt để họ được sáng tạo, được cống hiến.

Để thu hút được người tài, rất cần cơ chế cạnh tranh bình đẳng trong tuyển dụng. Cần hạn chế tối đa cơ chế xét tuyển, bởi lẽ, việc xét tuyển nếu không được kiểm soát kỹ sẽ có nhiều tiêu cực phát sinh bởi mối quan hệ thân quen, phụ thuộc nào đó. Đặc biệt, xóa bỏ cho được tình trạng “nhân tài chín ép”, “con ông, cháu cha” khi tuyển dụng vị trí lãnh đạo như đã từng xảy ra.

Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ đã được quy định rõ trong Luật. Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm về vấn đề này. Giờ là lúc Chính phủ cần có Chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài cụ thể, chi tiết hơn để người tài thực sự có đất dụng võ, tránh quy định chính sách chung chung. Như đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) kiến nghị, cần có cơ chế, chính sách khung pháp lý để những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được trọng dụng, có môi trường tốt để hoạt động, sáng tạo và yên tâm làm việc, cống hiến.

Lê Hùng