Để người khuyết tật tự tin hơn
(ĐBNDO) - Những năm gần đây, việc dạy nghề, đào tạo việc làm cho người khuyết tật đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước thông qua nhiều chính sách, ưu tiên hỗ trợ khác nhau. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người khuyết tật vẫn rất khó tìm được việc làm. Nguyên nhân là do họ chưa được đào tạo nghề hoặc chưa được đào tạo nghề đúng với khả năng. Để người khuyết tật tìm được niềm vui từ công việc, rất cần có chính sách ưu đãi cho việc dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng chịu nhiều thiệt thòi này.
Mong muốn tự nuôi sống bản thân
Chia sẻ với chúng tôi, rất nhiều người khuyết tật cho rằng, họ mong muốn mình là những người tàn mà không phế, và thực sự họ không muốn mình trở thành một gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội. Nhưng để thực hiện được điều tưởng chừng như đơn giản đó đối với người khuyết tật không phải là vấn đề đơn giản.
Nước ta hiện có hơn 6 triệu người khuyết tật, trong số đó có khoảng 30% người khuyết tật vẫn có sức khỏe và có mong muốn tìm việc làm để có thu nhập nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và hòa nhập với cộng đồng. Nhiều cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật cũng đã được thành lập, hiện cả nước có trên 1.000 cơ sở đào tạo nghề có tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật. Theo thống kê, trong 5 năm từ 2010 đến 2015, có khoảng 120.000 người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một thực trạng là số người khuyết tật được học nghề hiện còn quá ít so với nhu cầu. Tỷ lệ người khuyết tật tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn thấp, chủ yếu là tự tạo việc làm.
![]() Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai, bà Lê Minh Hiền động viên, hướng dẫn một học viên khuyết tật học nghề |
Nguồn: tuthien.vn |
Nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 (gọi tắt là Đề án 1019) đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và triển khai rộng rãi trong cả nước. Các hoạt động tiếp nhận nuôi dưỡng người khuyết tật; dạy nghề, tạo việc làm; trợ giúp người khuyết tật… đã có hiệu quả hơn. Tháng 10.2015 vừa qua, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã được thành lập. Đây được coi là thêm một cú hích mạnh mẽ để công tác về người khuyết tật được chú trọng thực hiện hiệu quả hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc và Công ước quốc tế về người khuyết tật - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Thức cho biết.
Ngoài ra, nhiều mô hình đào tạo nghề cho người khuyết tật trong cả nước được xây dựng và đã gặt hái được nhiều thành công. Đơn cử như Trung tâm Vì ngày mai, Từ Liêm Hà Nội. Hiện nay trung tâm có hơn 40 người khuyết tật đang được dạy nghề và tạo việc làm. Tại đây, các học viên được học nghề may, thêu, cách làm đồ thủ công, làm hoa lụa… Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai Lê Minh Hiền cho biết, dạy nghề cho những người khuyết tật không dễ. Những khiếm khuyết của cơ thể đã khiến cho các học viên ít có cơ hội được tiếp cận với môi trường giáo dục bình thường hay những dịch vụ xã hội rộng rãi khác. Vì vậy, việc dạy văn hóa cũng như lựa chọn một nghề phù hợp với từng đối tượng học viên là điều mà Trung tâm Vì ngày mai rất chú trọng. Với phương pháp dạy nghề phù hợp, khoa học và nhân văn, Trung tâm Vì ngày mai đã và đang tiếp nhận và dạy nghề miễn phí cho gần 2.000 lượt học viên.
Có thể nói, để tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, được học nghề và có việc làm thì rất cần sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các ngành hữu quan, sự quan tâm của toàn xã hội - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh. Từ góc độ những người khuyết tật, việc được lao động, được tự mình kiếm sống luôn là mong mỏi, là hạnh phúc và cũng là nguồn động lực quan trọng, tiếp thêm sức mạnh để họ vươn lên hòa nhập cùng cộng đồng.
Vẫn còn những rào cản
Tâm lý tự ti là một trong những rào cản của không ít người khuyết tật khi muốn hòa nhập cộng đồng. Ngoài những trường hợp vì sức khỏe, không ít người dù còn khả năng nhưng họ không chủ động hòa nhập cộng đồng vì tự ti bản thân. Do vậy, để xóa bỏ tâm lý này, rất cần sự sẻ chia từ cộng đồng. Cho tới nay, mọi người đều thừa nhận nguyên nhân chính của những bất lợi mà người khuyết tật đang phải đối mặt, cũng như việc họ thường xuyên bị tách biệt khỏi xã hội không phải do tình trạng khuyết tật của từng cá nhân, mà chính là hậu quả của những phản ứng tiêu cực từ xã hội đối với người khuyết tật. Đây là điều mà xã hội cần phải có sự nhìn nhận lại.
Thực tế cho thấy, việc từ chối các cơ hội việc làm công bằng cho người khuyết tật chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nghèo đói và tình trạng bị phân biệt đối xử đối với nhiều người khuyết tật. Người khuyết tật dễ vấp phải những bất lợi, bị đứng ngoài lề và dễ bị phân biệt, đối xử trên thị trường lao động. Ngay cả khi họ có việc làm thì đó cũng thường là những việc không thuộc thị trường lao động chính thức với đồng lương rẻ mạt và những vị trí đòi hỏi kỹ năng thấp.
Vì vậy, để xóa bỏ được tình trạng này, cần phải xóa bỏ rào cản tâm lý. Ngoài việc người khuyết tật xóa bỏ rào cản từ chính bản thân mình bằng những suy nghĩ và hành động tích cực thì xã hội cũng phải có những nhìn nhận công bằng và nhân văn hơn từ góc độ tiếp cận quyền con người đối với người khuyết tật. Ngoài ra, để người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống, chủ động để nuôi sống bản thân, và có cơ hội cống hiến cho xã hội, rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía nhà nước, cộng đồng. Trong đó, có chính sách đối với việc dạy nghề và tạo việc làm đối với người khuyết tật. Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các trung tâm, cơ sở dạy và tạo việc làm cho người khuyết tật. Chỉ khi người khuyết tật tìm được một công việc ổn định, bảo đảm thu nhập thì khi ấy họ mới thực sự tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Nằm trong những nỗ lực dạy nghề và tạo việc làm bền vững giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống, dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, dự án “Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật" do Hội Người khuyết tật TP Hà Nội phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), công ty Daumkakao cùng Hiệp hội Phục hồi chức năng cho Người khuyết tật Hàn Quốc thực hiện từ năm 2014 với mục đích cung cấp cho người khuyết tật những kiến thức tin học cơ bản, dễ dàng tìm kiếm việc làm trong cuộc sống cũng như tìm những công việc liên quan đến nghề công nghệ thông tin. Hội người khuyết tật huyện Gia Lâm đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện trở thành một trong hai địa chỉ triển khai thí điểm thành công dự án này trên địa bàn Hà Nội. |