Triển khai chủ trương thu phí điện tử không dừng

Để người dân hài lòng và đồng lòng

- Thứ Sáu, 14/01/2022, 06:35 - Chia sẻ
Sau nhiều năm triển khai chủ trương thu phí điện tử không dừng đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng cũng không ít hạn chế, thách thức khi nhiều lần lỡ hẹn, phải lùi kế hoạch, nhiều người điều khiển phương tiện chưa mặn mà. Với tinh thần luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, thiết nghĩ, cần coi trọng biện pháp kinh tế (đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, liên thông đồng bộ, dễ sử dụng) song song với biện pháp hành chính (bắt buộc sử dụng ETC). Có như vậy, pháp luật mới đáp ứng yêu cầu cuộc sống, được dân tin, dân hài lòng, đồng lòng thực hiện.

Giao thông đường bộ phát triển, các phương tiện cơ giới tham gia giao thông ngày càng tăng, quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử (ETC) không dừng để thay thế cho phương thức thu phí thủ công, một dừng được xác định là nhiệm vụ bắt buộc, nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội, là một chính sách ích nước, lợi nhà. Đây là hình thức thu phí theo công nghệ hiện đại rất phổ biến ở nhiều quốc gia để nhận diện xe tự động khi qua trạm thu phí và trừ tiền vào tài khoản giao thông của chủ phương tiện.

Trạm thu phí đường bộ Nam Bình Định, nơi làn ETC ePass không tự động, phải lùi xe qua đi vào làn thu tiền mặt
Trạm thu phí đường bộ Nam Bình Định, nơi làn ETC ePass không tự động, phải lùi xe qua đi vào làn thu tiền mặt

Sau nhiều năm triển khai chủ trương thu phí điện tử không dừng đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng cũng còn không ít hạn chế, thách thức khi nhiều lần lỡ hẹn phải lùi kế hoạch. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay tỷ lệ phương tiện dán thẻ ETC và nạp tiền sử dụng dịch vụ này còn thấp, cả nước mới có hơn 2,2 triệu ô tô dán thẻ trong tổng số hơn 3,5 triệu xe. Trong số xe đã dán thẻ, mới chỉ có khoảng hơn 50% có nạp tiền và sử dụng dịch vụ ETC.

Thu phí “không dừng”, vì sao “phải lùi”?

Thực tế, nhiều người phàn nàn về những phiền phức khi sử dụng dịch vụ ETC. Tôi cũng từng gặp phải trong lần đầu sử dụng ETC của ePass khi 2 lần đi qua làn ETC Trạm thu phí Liên Đầm (Lâm Đồng) đều phải dừng lại vì hệ thống không tự động thu phí được, nhân viên Trạm yêu cầu lùi xe để hệ thống “đọc lại” mới thu phí và cho đi qua (!). Tương tự, trong hành trình trên Quốc lộ 1A về miền Trung những ngày giữa tháng 11.2021, dù đã nạp tiền trong ePass, nhưng cũng có trạm tự động “mời qua”, cũng có trạm buộc phải dừng, lùi lại cây chắn mới bật lên “mời qua”.

Tệ nhất là 2 trạm Nam Bình Định và Bắc Bình Định đều không mở chắn, đèn vẫn đỏ khi xe vào làn ETC; nhân viên trạm ra ngó nghiêng thẻ ETC ePass dán ở đèn pha, rồi vào ca-bin hí hoáy gì đó một lúc quay ra yêu cầu lùi xe, đi qua làn thu phí khác để trả tiền mặt với lời “an ủi” rằng “tài khoản của bác sẽ không bị trừ”(!). Đem thắc mắc gọi lên tổng đài 1900.9098 (ghi âm cuộc gọi) tôi được nghe lời xin lỗi, tiếp thu góp ý, xin biển số xe, hứa sẽ khắc phục… Nhưng rồi, chuyến quay về Nam vài ngày sau đó vẫn “Vũ Như Cẩn”, thậm chí còn bực bội hơn khi thái độ không thân thiện của nhân viên 2 Trạm thu phí Bắc, Nam tỉnh Bình Định. Một bất cập khác nữa là phần mềm ePass không dùng được khi đi vào làn ETC cao tốc Long Thành - Dầu Dây do tuyến giao thông này chưa liên thông, đồng nhất công nghệ với các tuyến khác.

Từ kỳ vọng được hưởng thụ công nghệ mới, văn minh, tiết kiệm thời gian… cho đến những thất vọng như vừa kể cho thấy, người dân trả phí với mong muốn có được dịch vụ tốt chứ không phải mất tiền để rước thêm bức xúc khi tham gia giao thông.

Khắc phục triệt để các tồn tại nảy sinh

Theo phản ánh của người dân, một số trạm thu phí sử dụng thiết bị đã lỗi thời, chưa hài lòng về tính hiện đại, đồng bộ của các thiết bị thu phí điện tử không dừng như đã quảng cáo, tuyên truyền. Thái độ ứng xử của người cung cấp dịch vụ (cả nhà đầu tư và nhân viên trạm thu phí) còn thiếu tôn trọng dân, luôn đẩy bất lợi cho người sử dụng dịch vụ khi gặp sự cố, càng làm họ mất lòng tin. Mặt khác, nhiều người có ô tô cá nhân thường ít đi xa, nên có tâm lý lâu lâu qua trạm trả tiền mặt cho nhanh thay vì dùng dịch vụ ETC, vừa mất công cài đặt phần mềm, nhớ mật khẩu, vừa lo lắng bảo mật khi liên kết tài khoản để nạp tiền …

Được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là giải pháp hỗ trợ quản lý giao thông thông minh, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo (văn bản số 8544/VPCP-CN ngày 22.11.2021) tiếp tục triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng quy định tại quyết định số 19/2020/QĐ-TTg. Trong đó, nhấn mạnh phải khắc phục triệt để các tồn tại nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống; cải thiện điều kiện phục vụ thuận lợi, tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện dán thẻ và sử dụng thu phí không dừng. Mục tiêu đến tháng 6.2022, đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ ETC. Nghiên cứu chọn một số tuyến cao tốc thí điểm chỉ áp dụng hình thức ETC. Đó là những nhiệm vụ không dễ nếu không khắc phục được hạn chế, yếu kém nói trên.

Với tinh thần luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước, thiết nghĩ, cần coi trọng biện pháp kinh tế (đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, liên thông đồng bộ, dễ sử dụng) song song với biện pháp hành chính (bắt buộc sử dụng ETC). Có như vậy, pháp luật mới đáp ứng yêu cầu cuộc sống, được dân tin, dân hài lòng, đồng lòng thực hiện.

ThS.Nguyễn Vân Hậu