Đề nghị tiếp tục dự án xây dựng Nhà chiếu hình vũ trụ ở Hà Nội

Đinh Ngọc Lân 28/09/2008 00:00

Được khởi động từ năm 1995 nhưng đến nay dự án xây dựng Nhà chiếu hình vũ trụ ở Thủ đô Hà Nội vẫn để ngỏ...

      Hành trình gian nan
      Cuối tháng 10.1995 nhân nhật thực toàn phần ở miền Nam, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức một hội thảo quốc tế ở TP Hồ Chí Minh và quan sát nhật thực toàn phần ở Phan Thiết. Tôi được tham gia Ban tổ chức và làm nhiệm vụ phiên dịch. Công việc xong xuôi, Ts Nguyễn Quang Riệu, Giám đốc nghiên cứu ở Đài Thiên văn Paris nói với tôi khi ra Hà Nội muốn cùng một số nhà khoa học Pháp đến chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi báo cáo với Đại tướng thì Đại tướng đồng ý tiếp. Trước khi tiếp khách, Đại tướng hỏi tôi muốn đề nghị với bạn điều gì. Tôi nói đề nghị Đại tướng nói với các bạn Pháp giúp xây dựng tại Hà Nội một nhà chiếu hình vũ trụ (planétarium) như cái mà tôi đã được xem vào năm 1960 khi còn là một lưu học sinh ngành vật lý hạt nhân trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Đại tướng nói xong thì Gs Pierre Encrenaz, Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Pháp có nói khi về nước sẽ cố gắng vận động thực hiện ý muốn của Đại tướng.
      Giữa năm 1996, anh Riệu gọi điện về nói các trường đại học chỉ có thể giúp đào tạo, còn muốn có một thiết bị lớn như máy chiếu hình vũ trụ thì phải xin Chính phủ Pháp. Tôi báo cáo với Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, Phó thủ tướng bảo tôi làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Quốc Sam, để xin viện trợ ODA. Anh Sam đã giúp đỡ nhưng ODA phân cho nhiều thứ quá, không có phần cho nhà chiếu hình vũ trụ.
      Trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng thì Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ họp ở Hà Nội vào tháng 11.1997. Sau khi Hội nghị kết thúc có cuộc họp báo ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi có được tham dự với tư cách Phó tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Tổ Quốc, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Sau lời mở đầu của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Tổng thống Pháp Jacques Chirac có nói: “Hội nghị này đã gây rất nhiều phiền phức cho nhân dân Hà Nội (Cette conférence a causé beaucoup d’ennuis à la population de Hanoi) nhưng tôi thấy mọi người đều vui vẻ, không ai phản đối cả”. Sau lời phát biểu của Tổng thống Pháp, đến lượt các nhà báo hỏi. Tôi giơ tay xin phát biểu và tôi nói: “Ngài Tổng thống có nói Hội nghị này gây rất nhiều phiền phức cho người dân Hà Nội, nhưng tôi thấy không có phiền phức nào cả. Kẹt xe thì có nhưng phiền phức thì không!” (Je ne vois aucun ennui. Des embouteillages oui, mais des ennuis, non!”. Tổng thống Chirac cười rất to. Sau khi chúc mừng thắng lợi của Hội nghị thượng đỉnh, tôi có nói cách đây mấy tháng, vào Hè năm 1997 tôi sang Paris hơn 1 tháng theo lời mời của trường ĐH Pierre và Marie Curie (Paris VI), đến thăm Cung Khoa học (Cité de la Science) và nhà chiếu hình vũ trụ. Tôi đề nghị Chính phủ Pháp giúp xây dựng tại Hà Nội một nhà chiếu hình vũ trụ để giáo dục khoa học cho thanh thiếu niên và nâng cao dân trí cho cả cộng đồng... Khi tôi ngồi xuống thì một người đến bắt tay tôi và nói: “Tôi là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, thay mặt Bộ tôi cảm ơn anh. Anh thấy không, các nhà báo nước ngoài hỏi đều có ác ý, khiến ông ấy rất lúng túng. Lời phát biểu của anh giúp ông ấy giải tỏa, ông ấy rất vui”. Buổi tối, trong tiệc chiêu đãi tại Đại sứ quán Pháp, một người đến bắt tay tôi, tự giới thiệu là Josselin, Bộ trưởng Bộ Hợp tác (Ministre de la Coopération) và hỏi: “Hồi chiều ông xin cho Hà Nội một nhà chiếu hình vũ trụ thì hết bao nhiêu tiền?”. Tôi bảo thiết bị giá khoảng 1 triệu USD, còn nhà thì tự Việt Nam xây. Ông ấy nói: “Hơi nhiều, nhưng chúng tôi sẽ xem xét” (C’est un peu trop. Mais nous verrons). Ít lâu sau, Đại sứ Pháp Serge Degallaix bảo tôi làm một đề án cụ thể. Đề án làm xong đã được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường Chu Tuấn Nhạ. Trong Hiệp định hợp tác khoa học – kỹ thuật ký ngày 12.10.2002 giữa Chính phủ hai nước, Chính phủ Pháp đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam 3 triệu phrăng Pháp (khoảng 6 tỷ đồng VN) để mua thiết bị cho nhà chiếu hình vũ trụ Hà Nội... 
      Sau đó, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định xây dựng nhà chiếu hình vũ trụ và giao Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Hà Nội làm chủ đầu tư. Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội đã có công văn giới thiệu mảnh đất 2.000m2 trong Công viên Thống Nhất làm địa điểm xây dựng. Công ty tư vấn thiết kế đô thị Hà Nội đã làm xong dự án khả thi, bản thiết kế xây dựng đã được sự góp ý của kiến trúc sư Pháp Cuvelier (người thiết kế khách sạn Hilton Opera, Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza và một số công trình kiến trúc khác ở Hà Nội). Ngày 27.4.2001, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã có một bản thỏa thuận cam kết xúc tiến công việc để khánh thành nhà chiếu hình vũ trụ Hà Nội vào tháng 12.2002. Rất tiếc là năm 2002 đã trôi qua, thời hạn 3 năm của hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật (2000 – 2003) đã hết mà nhà chiếu hình vũ trụ vẫn chưa thể khởi công xây dựng. Đại sứ Pháp Serge Degallaix khi hết nhiệm kỳ nói với tôi ông rất tiếc là rời Việt Nam mà không được thấy Nhà Chiếu hình vũ trụ Hà Nội.
      “Bảo tàng khoa học”

      Năm 2002, trong cuộc họp tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đọc bức thư của Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên, nói rằng không tiến hành đề án xây dựng nhà chiếu hình vũ trụ Hà Nội tại Công viên Thống Nhất nữa, mà sau này sẽ làm trong công viên Yên Sở. Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu hỏi ý kiến tôi thế nào, tôi nói là Yên Sở xa quá, các nhà chiếu hình vũ trụ mà tôi đã thấy ở Bắc Kinh, Paris, Bangkok đều nằm ngay trong thành phố.

      Cuối năm 1996, nhân đi dự Hội nghị quốc tế về giáo dục vật lý do Hiệp hội quốc tế vật lý lý thuyết và ứng dụng tổ chức tại Bangkok, tôi đến thăm nhà chiếu hình vũ trụ Bangkok, khánh thành năm 1964, thuộc loại lớn trên thế giới, đường kính màn hình bán cầu là 30m, có 450 chỗ ngồi. (Nhà chiếu hình vũ trụ dự định làm ở Hà Nội thuộc loại trung bình, màn hình bán cầu có đường kính 14m, có 156 chỗ ngồi). Tôi đã gặp Giám đốc nhà chiếu hình vũ trụ Bangkok hỏi tỉ mỉ về thiết bị chiếu hình vũ trụ, về kinh nghiệm xây dựng và vận hành. Trong mấy chục năm qua, nhà chiếu hình vũ trụ này hoạt động liên tục, ngày 4 buổi, mỗi buổi 1 giờ. Vé vào cửa người lớn 10 bạt, trẻ em 5 bạt (năm 1996 thì một 1USD = 25bath). Nhìn hàng trăm em học sinh Thái Lan mặc đồng phục xếp hàng yên lặng, trật tự dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo vào xem nhà chiếu hình vũ trụ, tôi lại nghĩ đến sự thiệt thòi của các em học sinh nước ta. Hà Nội có nhiều Bảo tàng nhưng không có bảo tàng khoa học, không có nhà chiếu hình vũ trụ, ngày nghỉ ngày lễ không có chỗ để trẻ em được giải trí một cách lành mạnh và bồi dưỡng lòng yêu thích khoa học.

      Nhà chiếu hình vũ trụ đầu tiên trên giới được xây dựng ở Đức năm 1923. Hiện nay trên thế giới có hơn 1.700 nhà chiếu hình vũ trụ, trong đó, Mỹ có 800 cái, Nhật Bản có 400 cái. Một nhà khoa học Nhật có viết rằng 400 nhà chiếu hình vũ trụ trên khắp nước Nhật đã có tác dụng to lớn trong việc giáo dục lòng yêu khoa học cho thiếu nhi, giúp các em lớn lên trở thành những nhà khoa học, chuyên gia giỏi làm nên sự hùng cường của nước Nhật ngày nay. 

      Cách đây 45 năm, sáng 18.5.1963, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với Đại hội lần thứ nhất Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Bác có nói như sau: “Các đồng chí phải là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học kỹ thuật, phải góp phần làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ nặng nề và cũng rất vẻ vang.

      Hội còn có nhiệm vụ dạy bảo các cháu thiếu nhi về khoa học kỹ thuật, làm cho các cháu ngay từ nhỏ đã biết yêu khoa học, để mai sau các cháu trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học”.

      Lời căn dặn của Bác Hồ chăm lo giáo dục khoa học cho trẻ em ngày nay càng có ý nghĩa thời sự hơn bao giờ hết, nhằm làm cho các em tránh được thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, lớn lên trở thành những công dân tốt, những người có ích cho xã hội, những chuyên gia giỏi góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

      Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội cho tiếp tục Dự án xây dựng Nhà Chiếu hình Vũ trụ ở thủ đô Hà Nội. Tôi tin tưởng rằng, tiếp tục những việc đang làm dở trong những năm qua, chỉ trong vòng vài năm nữa Thủ đô Hà Nội sẽ có một nhà chiếu hình vũ trụ đẹp đẽ, làm nơi giáo dục thế giới quan và nhân sinh quan khoa học cho thế hệ trẻ, cũng là nơi nâng cao dân trí và thư giãn, giải trí cho cả cộng đồng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề nghị tiếp tục dự án xây dựng Nhà chiếu hình vũ trụ ở Hà Nội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO