ĐBQH Nguyễn Thị Yến nhận định: Năm 2023, Việt Nam đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn với triển vọng “ổn định”, xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, chỉ số phát triển con người Việt Nam tăng 8 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc. Đây là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính
Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nhận định: kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Cụ thể,Năm 2023, Việt Nam đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn với triển vọng “ổn định”, xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, chỉ số phát triển con người Việt Nam tăng 8 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc. Đây là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.
Tuy nhiên,đại biểu cũng cho rằng, tình hình năm 2023 và 4 tháng năm 2024 còn một số tồn tại cần sớm có giải pháp khắc phục. Đơn cử, liên quan đến vấn đề y tế, tình trạng cung ứng vật tư, thuốc men, đại biểu dẫn chứng số liệu công bố, Việt Nam có tỷ lệ đột quỵ và đột quỵ do tăng huyết áp dẫn đầu thế giới - ước tính 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 ca mỗi năm.
Từ thực tế nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để giảm thiểu bệnh lý này, đồng thời bổ sung vào danh mục thuốc và nâng mức thanh toán đối với các loại thuốc BHYT cần thiết để điều trị và phòng ngừa các loại bệnh và bệnh lý ác tính, thường gặp bởi vì hiện nay cử tri vẫn phản ánh tình trạng khám, chữa bệnh BHYT còn thiếu thuốc, người dân phải mua ở ngoài, vì trong danh mục thuốc BHYT không có và nhiều loại thuốc chỉ được thanh toàn từ 30 - 50% và đa số người bệnh là người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn. “Vì sức khỏe của Nhân dân là tài sản quý nhất của đất nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Liên quan đến hoàn thiện thể chế, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận định: trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đến hoàn thiện thể chế và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên trong thời gian tới Chính phủ vẫn cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế phù hợp tình hình mới, hội nhập quốc tế để tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn. Trong đó quan tâm đến phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.
Về quy hoạch, đại biểu Yến nhấn mạnh: đến nay đã có 90/111 quy hoạch đã được phê duyệt, hiện nay còn 21 quy hoạch cần đẩy nhanh tiến độ, sớm phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp tỉnh và phân cấp mạnh mẽ, rõ ràng gắn với nguồn lực mới bảo đảm triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời khi xây dựng hệ thống pháp luật cần đánh giá tác động đến các quy hoạch, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch, vì đa số đều đã có trong các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, ngành.
Về cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Yến thông tin: tính đến tháng 4.2024, mới có 85 doanh nghiệp được phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, tình hình vẫn "dậm chân tại chỗ” vì chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong 4 tháng đầu năm, mới thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp, thu về 149,2 tỷ đồng, nhưng theo chỉ tiêu năm đề ra là 4.000 tỷ đồng. Trước thực trạng này, đại biểu cho rằng, khả năng chỉ tiêu cổ phần hóa, thoái vốn sẽ không đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, đề nghị Chính phủ tổ chức đánh giá lại và có giải pháp cụ thể, hữu hiệu để đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, có giải pháp quyết liệt, thực chất, hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp, gắn với đổi mới quản trị.
Tập trung các giải pháp tích cực tăng trưởng tín dụng
Bày tỏ thống nhất với Chính phủ về tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, song đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, kịp thời; đồng thời tập trung các giải pháp tích cực tăng trưởng tín dụng, bởi vì đến ngày 23.4.2024 tín dụng chỉ tăng trưởng 1,6%/15% chỉ tiêu đề ra là quá thấp, theo đại biểu Yến đến cuối năm phải cần tăng trưởng đến 13,4% là mức rất lớn; điều hành tỷ giá ổn định; sớm sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
Bên cạnh đó, phản ánh tâm tư, kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến với phiên thảo luận kinh tế - xã hội, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho biết: cử tri đề nghị Chính phủ, bộ, ngành quan tâm sớm nâng cấp sân bay Côn Đảo, vì trước đây đã đưa vào đầu tư công trung hạn, dự kiến khởi công vào tháng 4.2023; nhưng sau đó Chính phủ chỉ đạo mở rộng và kéo dài cả đường băng theo phương thức đầu tư đối tác công tư PPP, song đến nay vẫn chưa có dự án.
Đại biểu nhấn mạnh: Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mong muốn dự án được khởi công trong năm 2024 hoặc năm 2025, để tạo điều kiện đi lại, phát triển kinh tế biển đảo và đảm bảo quốc phòng an ninh cho huyện Côn Đảo.