Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã đưa vào nhiều quy định mới liên quan đến biến đổi khí hậu, như điểm a khoản 9, điểm i khoản 12 Điều 5 (chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực), khoản 5 Điều 9 (yêu cầu của việc lập quy hoạch), điểm a khoản 1 và khoản 4 Điều 31 (quy định chung trong phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới)...
Đánh giá đây là nội dung rất mới, đáp ứng yêu cầu đặt ra sau khi Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về các mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu, song, ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình) đề nghị cần tiếp tục rà soát để lượng hóa các quy định trong dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi.
Ví dụ, khoản 7 Điều 5 quy định “Nhà nước khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp”, điểm i khoản 12 Điều 5 quy định “các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ điện cao và phát thải cao”. “Việc định lượng phát thải cao hay thấp căn cứ theo quy định nào của pháp luật, chủ thể nào quy định?" - đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị làm rõ vấn đề này, cơ sở pháp lý để triển khai trong thực tiễn.
Khoản 12, Điều 5 dự thảo Luật quy định về chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện. Một số đại biểu cho rằng, về nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực.
Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này, sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm, từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Do đó, đại biểu đề nghị, không nên đưa các nội dung như "Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ” tại điểm đ hay “Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp cần thiết để ổn định phát triển kinh tế - xã hội” tại điểm h... vào Điều 5 mà phải đưa vào một mục riêng về chính sách hỗ trợ tiêu dùng điện cho phù hợp.
Liên quan đến các chính sách ở khoản 9c, Điều 5 quy định về cơ chế đột phá, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) nêu rõ, dự thảo Luật hiện đang quy định “Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi”. Cơ chế đột phá là đột phá so với các văn bản hướng dẫn hiện hành hay so với các luật hiện hành? Bên cạnh đó, đại biểu chỉ rõ, Điều 4 dự thảo Luật có nhiều khái niệm về giá nhưng chưa đề cập đến yếu tố hình thành các loại giá.
Về quy hoạch phát triển điện lực quy định tại Chương II dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn An cho biết, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội dự kiến thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật, trong đó có Luật Quy hoạch. Trong các nội dung sửa đổi, bổ sung, có quy định về điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Điều 11, Điều 12.
Đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất giữa Luật Quy hoạch và các luật khác mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám này, bao gồm Luật Điện lực (sửa đổi) để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến điều chỉnh quy hoạch nhằm mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội.