Đề nghị không xử lý hình sự đối với người sử dụng trái phép chất ma túy
Thảo luận tại tổ chiều 20/5, các ĐBQH Tổ 18 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Tiền Giang) tập trung góp ý một số nội dung Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc xử lý hình sự đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, bởi việc hình sự hóa tội danh này chưa chắc đã mang lại hiệu quả hạn chế phạm tội.
Dự thảo Luật bổ sung Tội sử dụng trái phép chất ma túy nhằm xử lý nghiêm đối với người đang trong quá trình cai nghiện hoặc ngay sau khi kết thúc quá trình cai nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy. Thảo luận tại Tổ 18, các ĐBQH đều bày tỏ quan điểm không nên bổ sung Tội sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật Hình sự.

Theo các đại biểu, từ năm 2010 đến nay, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy đã thay đổi căn bản, theo đó, người sử dụng chất ma túy được pháp luật coi là người bệnh. Quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999, tội sử dụng trái phép chất ma túy đã được bãi bỏ. Bên cạnh đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định phương châm lấy phòng ngừa là chính; đồng thời, kết hợp giữa trừng trị với giáo dục, cai nghiện, giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, việc xử lý người sử dụng ma túy ở Việt Nam chủ yếu bằng biện pháp xử phạt hành chính, kết hợp hỗ trợ điều trị cai nghiện. Các ĐBQH khẳng định, việc không xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma túy là phù hợp với chủ trương, chính sách nhân đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời không mâu thuẫn với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) nêu thực tế: “Nếu cứ lấy hình phạt vào tù để đe dọa những người sử dụng trái phép chất ma túy thì chưa chắc đã thực sự hiệu quả. Bởi vì, thực tế có những người vào tù rồi ra tù vẫn tiếp tục sử dụng ma túy. Trước đây, chúng ta đã từng áp dụng hình phạt này nhưng không hiệu quả, nếu bây giờ tiếp tục áp dụng thì tôi cho rằng không phù hợp với thực tiễn, cần phải đánh giá rất kỹ tác động, liệu có hạn chế được người sử dụng trái phép chất ma túy không hay sẽ gây quá tải ở các trại giam?”.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, cần tăng nguồn lực để trợ giúp, quản lý chặt chẽ những người sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng cũng như tại các cơ sở cai nghiện để làm sao có hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, cần tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng trái phép chất ma túy để hạn chế.

Cũng đồng tình với quan điểm không bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật Hình sự, ĐBQH Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) cho rằng, chủ trương yêu cầu áp dụng chính sách hình sự nghiêm khắc hơn để giảm tội phạm về ma túy nhưng không có nghĩa là phải áp dụng hình sự hóa đối với tội danh này. “Chúng ta có rất nhiều cách thức, phương pháp để kết hợp giữa trừng trị với giáo dục, cai nghiện, giúp đỡ người nghiện hòa nhập với cộng đồng, hạn chế tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy. Xử phạt hình sự chưa chắc đã đạt được hiệu quả. Chưa kể, chúng ta vừa thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng chống ma túy, trong đó tập trung hỗ trợ đấu tranh phòng chống tội phạm và hỗ trợ cai nghiện. Tất cả các biện pháp cai nghiện mới; điều kiện cơ sở vật chất cai nghiện đang trong quá trình được đầu tư và thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030. Do đó, nếu đưa tội danh này vào Bộ Luật Hình sự thì chưa được phù hợp”, ĐBQH Lâm Văn Đoan nhấn mạnh.
Tại thảo luận tổ, các ĐBQH cũng đồng tình với Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở một số tội danh có khung hình phạt tử hình ở luật hiện hành. Theo các ĐBQH, đây là hướng sửa đổi thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và phù hợp với xu hướng xử lý tội phạm trên thế giới.