Thời gian thực hiện quá ngắn, chính sách sẽ khó phát huy tác dụng
Đối với việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% được ban hành tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các ĐBQH cơ bản tán thành nhằm tiếp tục có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn phải bán bớt tài sản, bên mua lại là người nước ngoài, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, tình trạng này rất đáng lo ngại, nhất là khi các doanh nghiệp cần giữ, hỗ trợ để phát triển nền kinh tế. Theo đại biểu, cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn.
Đánh giá cao việc thực hiện các giải pháp về thuế trong thời gian qua, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, việc linh hoạt thực hiện chính sách thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đại biểu bày tỏ nhất trí việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, phương án của Chính phủ kéo dài đến hết 31.12.2023 là quá ngắn, trong khi khó khăn, thách thức trong thời gian tới là khá lớn. Theo ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) phân tích, việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT không liên tục, bị ngắt quãng trong 6 tháng vừa qua, nay được tiếp tục đề nghị thực hiện trong 6 tháng cuối năm, từ ngày 1.7 đến 31.12.2023, như vậy là quá ngắn, khó đạt hiệu quả như mong đợi.
Trong 6 tháng cuối năm có một số thời điểm nếu giảm thuế VAT sẽ tạo điều kiện tăng chi tiêu, kích cầu, tăng sức mua như chuẩn bị vào năm học mới, dịp lễ tết cuối năm… Nhưng, có một số yếu tố tác động như điều chỉnh giá điện, tăng lương cơ bản… cũng sẽ tác động đến mục tiêu và hiệu quả mong đợi với thực hiện chính sách này. Do đó, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị, cần đánh giá kỹ việc kéo dài 6 tháng đã đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng, đủ để đạt được những mục tiêu đề ra hay không?
Ngoài ra, đại biểu Trần Chí Cường phân tích, với việc thực hiện chính sách không liên tục đối với những địa phương có ngành dịch vụ phát triển, nguồn thu ngân sách từ thuế VAT có tỷ trọng lớn sẽ bị tác động lớn khi thực hiện chính sách, ảnh hưởng không nhỏ tới cân đối ngân sách, phải điều chỉnh dự toán thu chi. Nếu chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm sẽ khó chủ động được cho việc điều chỉnh dự toán thu chi ngân sách cuối năm 2023, cũng như xây dựng dự toán ngân sách của năm 2024.
Việc dự kiến thu ngân sách sẽ giảm 24 nghìn tỷ đồng khi thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT được xác định trong điều kiện mức tiêu thụ bình thường. Tuy nhiên, trong điều kiện nếu thực hiện chính sách hiệu quả, kích thích tiêu dùng tăng cao, thì dù giảm 2% nguồn thu từ thuế này, nhưng với 8% còn lại cộng với phát sinh tăng thu từ các nguồn thuế khác khi chi tiêu của người dân được đẩy mạnh thì vẫn có thể giúp nguồn thu ngân sách tăng cao như kết quả đạt được trong năm 2022. Với hướng tích cực có thể hạn chế một phần tác động của việc giảm nguồn thu ngân sách, nên đại biểu đề nghị cần cân nhắc cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách này trong năm 2024.
“Chính sách được ban hành cũng cần một khoảng thời gian đủ để bảo đảm có thể hấp thụ và đưa chính sách vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán cân đối giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, bảo đảm việc lập dự toán cân đối thu chi cho năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất”, đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng đề nghị, để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế thì cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024.
Bên cạnh đó, theo một số ĐBQH, cũng cần có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm tạo ra những chính sách bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ ở hoạt động dịch vụ tiêu dùng, ngay cả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là tháo gỡ khó khăn về chi phí đầu vào, tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đề nghị áp dụng mức thuế 8% với mặt hàng ô tô
Tán thành ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% nhằm giúp doanh nghiệp, người dân tháo gỡ trong sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị, rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách của nhà nước từ lĩnh vực này.
Theo đại biểu, việc áp dụng thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với hiện hành nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại thuế, vì vậy nếu kích cầu từ việc giảm này tổng mức thuế thu được từ chiếc xe sẽ vượt mức 2% giảm thuế VAT.
Việc giảm thuế, phí trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô cho thấy sự tác động tích cực và mạnh mẽ của các chính sách ưu đãi đến việc kích cầu và phát triển ngành này. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế gia trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô (bao gồm cả đối với các dòng xe ô tô dưới 24 chỗ) để kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ô tô tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô qua đó tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như phát triển nền kinh tế.