Ý kiến đại biểu

Đề nghị bổ sung quy định về tiền thu từ chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp của tổ chức công đoàn

Đào Cảnh 13/05/2025 15:10

Thảo luận tại hội trường, sáng 13/5 về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về tiền thu từ chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp của tổ chức công đoàn để phù hợp với thực tiễn pháp luật hiện hành và Luật Công đoàn.

Theo ĐBQH Võ Mạnh Sơn, từ thực tiễn quản lý doanh nghiệp của tổ chức công đoàn, đề nghị bổ sung: Doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên (không bao gồm: Bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách); doanh nghiệp có vốn đầu tư của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

202505131027173542_519118bb3ef38badd2e2.jpg
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận sáng 13/5

Về phạm vi đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Điều 12) và phạm vi đầu tư vốn để bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Điều 13), đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng: việc hình thành tài sản, nguồn vốn tại các doanh nghiệp của công đoàn có nguồn gốc ban đầu từ nguồn tài chính công đoàn, phần lớn các doanh nghiệp công đoàn hiện hoạt động trong lĩnh vực lưu trú - ẩm thực - lữ hành - vui chơi giải trí và tổ chức tài chính vi mô (là tổ chức tín dụng phục vụ công nhân lao động nghèo hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng…).

Xuất phát từ nguồn vốn đã đầu tư và đặc điểm hoạt động của tổ chức công đoàn, phù hợp với dự thảo Luật và bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả và cần bổ sung vốn điều lệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh (Điểm a, Khoản 1, Điều 13), đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi, bổ sung điểm mới tại Khoản 1, Điều 13 như sau: “Doạnh nghiệp có vốn đầu tư của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Về chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Điều 31), theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, dự thảo Luật quy định “Tiền thu được sau khi trừ đi các khoản chi trong quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước” có điểm chưa phù hợp. Bởi, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa có bán cổ phần cho tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cổ phần hóa được sử dụng nguồn quỹ công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa để mua cổ phần nhưng không quá 3% vốn điều lệ (Điểm b, Khoản 2, Điều 33 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ).

Do đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về tiền thu từ chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp của tổ chức công đoàn để phù hợp với thực tiễn pháp luật hiện hành và Luật Công đoàn. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Khoản 5, Điều 35 như sau: “Tiền thu được sau khi trừ đi các khoản chi trong quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước; được nộp tài chính của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các doanh nghiệp theo quy định".

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề nghị bổ sung quy định về tiền thu từ chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp của tổ chức công đoàn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO