Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, thời gian qua, chúng ta thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18 nhưng chưa thực sự quyết liệt. Ở thời điểm này, chúng ta thực hiện việc tinh gọn quyết liệt hơn.
![Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại phiên họp Tổ, sáng 13.2 bt-vangiang.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5a6235b982a983438967bf0594a3d8ee58ba94ddedf490da6f293ee0c645a8bcc5/bt-vangiang.jpg)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại phiên họp Tổ, sáng 13.2
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, lực lượng vũ trang có tính chất rất đặc thù, nên việc sắp xếp lại phải theo đề án riêng. Và đến nay, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại, riêng Bộ Công an sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện.
Bộ Quốc phòng đang tiếp tục tính toán rất cẩn thận, kỹ lưỡng dựa trên kết quả nghiên cứu tổng hợp cả về lịch sử chiến tranh của đất nước, những thuận lợi, khó khăn của nước ta hiện nay, cũng như phương pháp chiến tranh mà các nước trên thế giới đang áp dụng để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định về tổ chức Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam cho phù hợp trong thời gian tới.
Liên quan đến quy định: “Trường hợp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, mô hình, cơ cấu tổ chức của cơ quan sau sắp xếp có thay đổi thì cơ quan, người có thẩm quyền được ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan hình thành sau sắp xếp khác với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đã ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước”, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (TP. Huế) đề nghị làm rõ thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và mức độ chịu trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền đối với quy định này. Đồng thời ban soạn thảo cần bổ sung quy định cơ chế phối hợp xử lý/giải quyết các vấn đề phát sinh mà chưa dự liệu hết khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy để “đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động của xã hội cũng như chính sách đối nội đối ngoại của đất nước”. Vì vậy cần có cơ chế phù hợp, hiệu quả.
Về trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Huế Lê Trường Lưu đề nghị, dự thảo Luật lần này cần cập nhật Điều 30 của Luật Ngân sách Nhà nước để Hội đồng Nhân dân có thể quyết nghị chi những khoản chi đột xuất, cấp bách ngoài định mức, ngoài quy định của Chính phủ, của Bộ Tài chính để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương, đối ngoại, quốc phòng, an ninh… đảm bảo hiệu lực hiệu quả.
![Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) tham gia thảo luận 9d18e061b903075d5e12.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/cce9bed4563912d498b05bec5745e99ec1d9406ffc84bec267295e69923025afa61b8542afe231ab79216d67db32f741092e60fcc33c04fcfdcf60c3968ef108/9d18e061b903075d5e12.jpg)
Thảo luận về nguyên tắc phân định thẩm quyền đối với Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang (Đồng Nai) đề nghị thay cụm từ “không quyết định” các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của thủ trưởng bộ, ngành bằng cụm từ “không làm thay”. Đại biểu cho rằng, trong trường hợp cấp bách, khi xin ý kiến thủ trưởng các bộ, ngành, nếu 1-2 đơn vị chậm trễ báo cáo, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung thì Thủ tướng có thể quyết định được ngay.
Đóng góp ý kiến vào Luật Tổ chức Chính phủ, đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) đề nghị bỏ cụm từ “cơ bản, quan trọng” liên quan đến những vấn đề Chính phủ trình Quốc hội. Đại biểu cho rằng, nếu vấn đề đã thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đương nhiên Chính phủ phải trình chứ không chỉ là vấn đề cơ bản và quan trọng.
Về công tác quản lý cán bộ của Quốc hội, đại biểu Hoàng Anh Công cũng cho rằng nên để Quốc hội quyết định, và nếu không rõ ràng sẽ phát sinh chồng lấn thẩm quyền giữa hai bên.