Để ngành công nghiệp ô tô hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu
Thống kê hiện nay cho thấy, Việt Nam đang có hơn 360 doanh nghiệp tham gia sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, trong đó khoảng 80 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn cung ứng cho các hãng ô tô toàn cầu.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ ngành ô tô
Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) thông tin, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay hoàn toàn do các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đảm nhiệm. Có 3 doanh nghiệp tư nhân là Vingroup, Trường Hải và Thành Công đã đầu tư lớn vào sản xuất, lắp ráp ô tô. Các doanh nghiệp này hiện đang hợp tác, liên doanh, liên kết với các hãng nước ngoài, có công nghệ hiện đại, cung cấp hàng trăm nghìn xe mỗi năm cho thị trường trong nước và bắt đầu xuất khẩu.
Theo các chuyên gia kinh tế,công nghiệp ô tô luôn có vai trò quan trọng với nền kinh tế, vì nó tạo ra năng suất cao và tăng trưởng cao cho GDP. Điển hình như tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp ô tô đóng góp gần 20% GDP và trở thành một trụ cột quan trọng của kinh tế nước này.

Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam mới đạt 63 xe/1.000 dân, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Brunei… Trong khi thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.100 USD từ năm 2022, giai đoạn ô tô hóa ngày càng rõ nét, thị trường ô tô còn nhiều dư địa phát triển. Ngành ô tô phát triển sẽ có đóng góp rất lớn cho kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế nhất định bởi chủ yếu là nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, số lượng các nhà cung cấp nội địa vừa ít vừa yếu về năng lực, chủ yếu chỉ sản xuất những linh kiện giản đơn, giá trị thấp, chưa tạo ra được chuỗi cung ứng và hệ sinh thái.
Đại diện VASI thông tin hiện tỷ lệ nội địa hóa ô tô phổ biến chỉ đạt 7-10%, một số dòng xe đạt từ 30 - 40%. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra đến 2030 là đạt 1 triệu xe/năm và tỷ lệ nội địa hóa từ 60 - 70% là một thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, cần có hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô, trong đó đại diện VASI kiến nghị cần sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ hoặc Luật Công nghiệp trọng điểm với các chính sách, cơ chế ưu đãi phù hợp dành cho ngành công nghiệp lớn nhằm thúc đẩy đầu tư vào CNHT, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia. Các nội dung trong luật cần tạo những quy định thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp CNHT phát triển, cắt giảm thủ tục hành chính chồng chéo nhằm giảm chi phí không chính thức.
Hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp linh kiện
Việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế là yếu tố quan trọng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
3 doanh nghiệp tư nhân lớn tại Việt Nam gồm Vingroup, Trường Hải và Thành Công hiện nay cũng xác định việc tăng cường tỷ lệ nội địa hoá phụ tùng trên các sản phẩm ô tô là yếu tố tiên quyết với việc đầu tư, hình thành các cụm công nghiệp với sự tham gia của các nhà cung cấp linh kiện. Trong đó, Nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng có công suất 250.000 xe/năm, có thể nâng lên 900.000 xe/năm và cũng tại đây VinFast đang hình thành cụm công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp linh kiện. Còn tại Hà Tĩnh, VinFast mới khởi công Nhà máy ô tô hiện đại với công suất 300.000 xe/năm, có thể nâng lên 600.000 xe/năm và sẽ xúc tiến thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ, cung cấp linh kiện cho lắp ráp ô tô và xuất khẩu.
Công ty Trường Hải đã xây dựng khu phức hợp tại Chu Lai (Quảng Nam) với công suất 100.000 xe/năm, có tỷ lệ nội địa hóa từ 25- 40%. Trường Hải đã lên kế hoạch đưa tỷ lệ nội địa hóa các mẫu xe du lịch lên 45%, với những linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam có lợi thế.
Tập đoàn Thành Công đã liên doanh với Hyundai (Hàn Quốc) xây dựng khu công nghiệp ô tô tại Gia Viễn (Ninh Bình) với công suất gần 200.000 xe/năm và mới đây đã đưa Nhà máy ô tô Việt Hưng (Quảng Ninh) công suất 120.000 xe/năm vào hoạt động, cùng với đó là phát triển khu công nghiệp hỗ trợ.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô từ 1- 1,1 triệu xe vào năm 2030 và đến 2045 sẽ đạt khoảng 5- 5,7 triệu xe/năm. Với quy mô thị trường ô tô tiềm năng, công nghiệp ô tô Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển, trở thành ngành sản xuất lớn, trụ cột của kinh tế đất nước. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp lớn trong nước tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm và hệ thống cụm công nghiệp hỗ trợ, cung cấp linh kiện cho lắp ráp ô tô và xuất khẩu đóng vai trò “hạt nhân” chiến lược để phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Với việc, Chính phủ Ban hành Nghị định số 21/2025/NĐ-CP vừa qua, trong đó kéo dài chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ôtô nhằm đảm bảo tính nhất quán trong các chính sách ưu đãi mà còn tạo cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây được xem là cam kết mạnh mẽ trong việc đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp xây dựng nền công nghiệp ôtô hiện đại, tự chủ và bền vững.
Theo Bộ Tài chính, chính sách này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô mà còn giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN, với thuế suất 0%, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp ô tô trong nước bứt phá, cả về năng lực sản xuất lẫn tỉ lệ nội địa hóa.