Dế Mèn và cuộc phiêu lưu mới

Dế Mèn là một trong những nhân vật văn học nổi tiếng của Việt Nam, từng chu du qua nhiều quốc gia, châu lục, để lại ấn tượng trong nhiều tâm hồn trẻ thơ hơn 7 thập kỷ qua. Dế Mèn vừa có cuộc phiêu lưu mới, từ trang văn bước ra đời thực thông qua sáng tạo đồ họa, điêu khắc, sắp đặt…

Minh họa hệ thống và đầy đủ

Không chỉ giới thiệu các minh họa của họa sĩ Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Thành Chương, Tạ Huy Long và Đậu Thị Ngọc Vinh, những tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký đã được xuất bản bằng tiếng Việt và ngoại ngữ, Dế Mèn hiển hiện trước mắt công chúng đầy sinh động, cuốn hút qua các sáng tạo mỹ thuật, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt. Triển lãm, diễn ra tại Trung tâm VCCA, Hà Nội đến hết ngày 25.3.

Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014) được nhiều thế hệ độc giả trong và ngoài nước đọc, thích thú, được dịch và in ở hàng chục nước trên thế giới. Dế Mèn phiêu lưu ký được viết vào những năm 1940, ban đầu chỉ có 3 chương mang tên Con Dế Mèn, được nhà sách Tân Dân xuất bản năm 1941. Đến năm 1955, Tô Hoài viết tiếp 7 chương và gộp vào xuất bản thành truyện hoàn chỉnh. Từ đó đến nay, tác phẩm đã để lại ấn tượng với bao tâm hồn trẻ thơ. Không chỉ được thể hiện dưới câu chữ, Dế Mèn còn quen thuộc với người đọc qua hình ảnh minh họa cho truyện. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định: “Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn học được minh họa hệ thống và tương đối đầy đủ theo câu chuyện, được dựng thành phim hoạt hình và được dịch ra tiếng nước ngoài. Ít nhất cho đến nay, đã có các họa sĩ Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Thành Chương, Tạ Huy Long và Đậu Thị Ngọc Vinh tham gia minh họa có chiều sâu”.

Các họa sĩ Trương Qua, Ngô Mạnh Lân khá quen thuộc với khán giả thiếu nhi, qua các minh họa truyện và phim hoạt hình. Tác phẩm minh họa của hai họa sĩ lớp trước giới hạn ở cách vẽ hai chiều, nhân vật và bối cảnh thường tô màu mang tính đơn sắc. Minh họa của họa sĩ Thành Chương có sự ảnh hưởng một chút lối vẽ của các họa sĩ lập thể phương Tây, kết hợp lối vẽ dân gian. Trong khi đó, các họa sĩ Tạ Huy Long và Đậu Thị Ngọc Vinh minh họa trong điều kiện kỹ thuật 3D đã phổ biến, tác phẩm sống động, tinh tế và đầy màu sắc.

Triển lãm Dế Mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới Ảnh: Ng.Phương
Triển lãm Dế Mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới Ảnh: Ng.Phương

NSND, họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký 3 lần. Năm 1958 - 1959, khi đang học ở Liên Xô, ông vẽ cho tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký lần đầu tiên xuất bản bằng tiếng Nga, do một nhà xuất bản ở Liên Xô in. Tiếp đó là các phiên bản Dế mèn năm 1972 và năm 1989, in ở trong nước. “Tôi cảm thấy thế giới của Dế Mèn mà nhà văn đã tạo ra đúng như tình cảm của con người, với các biểu hiện của tình bạn, tình yêu, sự ham khám phá... Tôi yêu quý Dế Mèn phiêu lưu ký nên ngoài minh họa, ở nhà tôi cũng sáng tác tranh khổ lớn”.

Vượt qua giới hạn minh họa

77 năm sau khi ra đời, sau cuộc chu du qua nhiều thế hệ bạn đọc, qua các quốc gia, châu lục, xuyên thế kỷ, xuyên không gian, thời gian một cách kỳ thú, nay Dế Mèn hiện hữu sống động với vóc dáng khổng lồ cùng bè bạn của chú trong triển lãm Dế Mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới, đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật VCCA, Hà Nội. Họa sĩ Tạ Huy Long chia sẻ: “Tôi vẽ minh họa cho Dế Mèn phiêu lưu ký cách đây 10 năm, dựng lên thế giới riêng của Dế Mèn. Và triển lãm lần này, được chúng tôi hoàn thành ý tưởng cách đây hơn 2 tháng, với mong muốn hoàn chỉnh thế giới của Dế Mèn theo cách riêng, vượt qua những giới hạn về minh họa. Tôi thích tên “Chạm tới thế giới”, trực diện và đa nghĩa, xuất phát từ chính tôi, bởi khi làm triển lãm, tôi chạm tới các thế giới, cảm xúc khác nhau; chạm của trạng thái làm việc khi tôi là họa sĩ minh họa, thiết kế nội thất, thợ khâu da, đan lát, với các vật liệu da, gỗ, gương... Đó cũng là chạm của thợ thi công, hay người xem triển lãm. Tôi mong muốn có thể chạm vào cảm xúc của mọi người một cách dịu dàng và tinh tế nhất”.

Sinh vật nhỏ bé đào hang bên bờ ruộng nước, ăn cỏ non, đã sống trong trang văn hơn 7 thập kỷ, giờ được các nghệ sĩ tiếp nối hành trình đưa thông điệp của Dế Mèn tới các bạn nhỏ và cả người lớn: “Từ nay về sau, tất cả các loài sinh sống trên thế giới đại đồng này nên từ bỏ chiến tranh. Vì sao ư? Vì các cánh đồng và khu rừng đều có đủ tài nguyên để có thể đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Chúng ta phải làm việc để phân phối một các công bằng những nguồn lực vô tận đó. Như vậy, chắc chắn là sẽ chẳng có những cuộc cãi vã và tranh chấp xảy ra...”. TS. Mizuki Endo - Giám đốc Nghệ thuật của VCCA nhận định: “Đây là tuyên bố mà Dế Mèn cùng các nhân vật khác trong cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký đã đúc kết bằng tất cả kinh nghiệm qua nhiều cuộc cãi vã, xung đột, phiền hà và bất đồng... Dế Mèn phiêu lưu ký sẽ tiếp tục duy trì được tầm quan trọng của nó như một tác phẩm văn học, khai phóng tư tưởng cho nhiều thế hệ kế tiếp, cho đến khi tuyên ngôn của Dế Mèn trở thành hiện thực và được mọi người hoàn toàn chấp nhận”.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.