Để lực lượng y tế trụ vững với nghề

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 06:31 - Chia sẻ
Gần 2 năm qua, đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch đã liên tục phải làm việc với cường độ cao, trên 100% công suất, bất kể ngày đêm, bất chấp nguy cơ để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Thực tế đã có một số nhân viên y tế kiệt sức, giảm hăng hái trong thực hiện nhiệm vụ. Đâu đó cũng đã có trường hợp không chịu nổi áp lực đã rời vị trí, không làm nhiệm vụ. Điều cần làm ngay lúc này là có những chính sách động viên kịp thời đối với họ.

Chắc chắn rằng, không một y, bác sĩ nào lại muốn bỏ mặc bệnh nhân của mình hay từ bỏ bất cứ khả năng nào để cứu sống người bệnh cả. Bởi khi đã chọn ngành này, họ phải thực sự yêu nghề, biết trước sẽ gian nan, vất vả và cả những hy sinh. Nhưng áp lực trong giai đoạn dịch bệnh này, không phải ai cũng trụ vững được. Nhiều y, bác sĩ ngất xỉu sau những ngày làm việc liên tục với cường độ cao. Không ít thầy thuốc vừa hoàn thành nhiệm vụ tại những vùng tâm dịch ở miền Bắc, chưa kịp về thăm nhà lại lên đường vào các tỉnh phía Nam tiếp sức. Có những y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch có người thân qua đời cũng không thể về chịu tang…

Trong công văn gửi lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh ngày 7.9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ với lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu khi mỗi bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc và quản lý từ 140-150 người bệnh; mỗi ca trực kéo dài 8 - 10 tiếng trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục; suất ăn vẫn chỉ 120.000 đồng/ngày, gần như không được chăm sóc dinh dưỡng theo một chế độ nào hơn trước đây cả. Hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm SARS-CoV-2 khi làm việc, 3 y, bác sĩ trong số đó đã không thể qua khỏi.

Từ những thực tế đó, việc có những người muốn rời bỏ đội ngũ là điều có thể đoán định. Lo sợ nguy cơ lực lượng y tế vốn đang phải căng sức có thể sẽ thiếu hụt hơn nữa, Bộ Y tế đã ban hành văn bản đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát, xử lý hành chính hoặc thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề với người tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề. Tuy nhiên, vào thời điểm này, đó không phải là phương án tốt nhất để giữ chân các y, bác sĩ. Họ cần thời gian để phục hồi, do đó, quan tâm đến chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi dành cho các y, bác sĩ mới là điều quan trọng.

Cuộc chiến với dịch bệnh còn kéo dài, lực lượng y, bác sĩ vẫn sẽ là thành trì vững chắc không thể thiếu. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần dành sự quan tâm, động viên, khích lệ, chăm lo chu đáo hơn nữa cả về tinh thần và vật chất đối với đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu. Điều chỉnh chế độ đãi ngộ sao cho mọi nhân viên y tế đều có thu nhập tốt; bảo đảm các điều kiện giúp y bác sĩ vừa chăm sóc bệnh nhân hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn cho bản thân. Đặc biệt, lên kế hoạch điều phối, phân công, có sự chia sẻ của các tỉnh, thành phố khác để giảm tải cho lực lượng y tế. Có như vậy, mới có thể giữ chân được các y, bác sĩ tuyến đầu, vừa không dập tắt nhiệt huyết với nghề của họ.

Mới đây, chương trình VTV đặc biệt “Ranh giới” đã giúp nhiều người hiểu rõ hơn những sự hy sinh, tận tụy của các y, bác sĩ trong cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân. Bộ phim không lời bình, chỉ có hình ảnh và âm thanh sống. Giữa ranh giới sự sống và cái chết của bệnh nhân, các y, bác sĩ vẫn cố gắng không ngừng nghỉ. Dẫu họ cũng sức cùng lực kiệt “cũng mệt lắm rồi, vì sự sống của bệnh nhân thôi” nhưng họ chưa bao giờ quên trách nhiệm của mình, không quên những lời động viên, tiếp thêm nghị lực cho bệnh nhân “việc của em là thở thôi, hãy cố thở cho mình”.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương có giải pháp kịp thời, cụ thể về vấn đề chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y, bác sĩ chống dịch. Dù nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng việc nghiên cứu bổ sung những chế độ, chính sách ưu đãi dành cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch ở tuyến đầu rất cần thiết. Có thể những hỗ trợ chưa được như kỳ vọng nhưng đó là sự ghi nhận những hy sinh, cống hiến của cán bộ y tế, thể hiện sự quan tâm đến lực lượng này trong lúc khó khăn. Đó chính là cách giữ chân các y, bác sĩ tốt nhất mà không cần phải dùng đến mệnh lệnh hành chính nào.

Duy Anh