Để luật theo kịp sự phát triển của trí tuệ nhân tạo

- Thứ Hai, 08/03/2021, 06:54 - Chia sẻ
Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ có nhận thức ngày càng được áp dụng nhanh chóng và rộng rãi trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng trên thực tế trở nên căng thẳng khi các quy định pháp luật hiện hành phải vật lộn để đối phó với những thách thức nổi lên. Vì vậy, các nước đang nhanh chóng xúc tiến xây dựng luật để đối mặt với sự thay đổi công nghệ tiên tiến như AI.

Cách tiếp cận “chờ và xem”

Theo Forbes, năm ngoái, Công ty Nghiên cứu Cognilytica đã phát hành một báo cáo mang tên "Luật và quy định liên quan đến AI trên toàn thế giới", khám phá những hành động pháp lý và quy định mới nhất mà các quốc gia thực hiện trên 9 lĩnh vực khác nhau liên quan đến AI. Cụ thể, báo cáo đã phân tích các luật và quy định mới liên quan đến sử dụng nhận dạng khuôn mặt và thị giác máy tính, vận hành và phát triển các phương tiện tự hành, các vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu liên quan đến AI, những thách thức phát sinh từ các hệ thống đàm thoại và chatbot (ứng dụng trả lời tự động theo kịch bản đã được cài đặt sẵn), sự nổi lên của các hệ thống vũ khí tự động có khả năng gây chết người, mối quan tâm xung quanh đạo đức và thiên vị AI, các khía cạnh của việc đưa ra quyết định do AI hỗ trợ, khả năng sử dụng AI vì mục đích độc hại cũng như các quy định và luật khác liên quan đến việc sử dụng, tạo ra hoặc tương tác với các hệ thống AI.

Nguồn ITN
Nguồn ITN

Có thể không ngạc nhiên khi thấy rằng, hầu hết các chính phủ đang áp dụng cách tiếp cận “chờ và xem” đối với luật và quy định về AI. Cũng giống như bất kỳ làn sóng công nghệ mới nào, thật khó để dự đoán cách thức công nghệ mới này sẽ được sử dụng hay lạm dụng. Thực tế, phải mất nhiều năm trước khi có luật điều chỉnh việc sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Đó là bởi các nhà lập pháp đầu tiên phải tìm hiểu xem công nghệ đang được sử dụng như thế nào, nguy cơ gây mất tập trung khi lái xe phát sinh ra sao, và chỉ sau đó họ mới có thể xây dựng các luật có ý nghĩa nhằm điều chỉnh việc sử dụng công nghệ. Trường hợp của AI cũng vậy. Dường như vẫn còn quá sớm để các nhà lập pháp xem công nghệ này sẽ tác động đến công dân của mình như thế nào.

Liên minh châu Âu (EU) là tổ chức tích cực nhất trong đề xuất quy tắc và quy định mới, với các quy tắc hiện có hoặc được đề xuất trong 7/9 loại lĩnh vực mà quy định có thể được áp dụng cho AI. Trong khi đó, Mỹ duy trì quan điểm pháp lý khá “nhẹ” khi đưa ra luật về AI.

Nhiều phương tiện tự hành bắt đầu xuất hiện trên đường. Do đó, các chính phủ và cơ quan lập pháp đang nhanh chóng đối mặt với nhu cầu bảo đảm luật giao thông cũng như các luật và quy định khác liên quan đến ô tô và phương tiện vẫn còn phù hợp. Vì xe tự lái hoạt động song song với con người, các vấn đề phát sinh từ xe tự lái có thể gây ra hậu quả chết người.

Kết quả từ báo cáo cho thấy 24 quốc gia và khu vực đã ban hành luật cho phép hoạt động của phương tiện tự hành và 8 quốc gia đang thảo luận để cho phép phương tiện tự hành hoạt động. Nhiều quốc gia châu Âu như Bỉ, Estonia, Đức, Phần Lan, Hungary… đều có luật cho phép thử nghiệm xe tự hành trên đường. Pháp đã bày tỏ tham vọng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phương tiện tự hành, trong đó chú trọng đến vấn đề an toàn. Hơn nữa, một số quốc gia như Mỹ có hệ thống mà chính quyền trung ương hoặc liên bang quy định một số khía cạnh của phương tiện và việc vận hành của phương tiện trong khi chính quyền tiểu bang, khu vực, tỉnh hoặc địa phương có quyền điều chỉnh các khía cạnh khác. Điều đó giúp môi trường pháp lý được kiểm soát chặt chẽ.

Xét cho cùng, dữ liệu là thứ thúc đẩy AI. Các luật liên quan đến dữ liệu có liên quan nhiều đến AI, vì chúng có thể tác động đến việc sử dụng và tăng trưởng của các hệ thống AI. Theo báo cáo, 31 quốc gia và khu vực có luật cấm nhằm hạn chế chia sẻ và trao đổi dữ liệu mà không có sự đồng ý trước hoặc với các hạn chế khác. Năm 2018, EU đã ban hành Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), bắt buộc các quốc gia thành viên phải duy trì cách tiếp cận theo quy định khá nghiêm ngặt đối với quyền riêng tư và sử dụng dữ liệu.

27 trong số các quốc gia được đề cập trong báo cáo là thành viên EU, và phải tuân thủ GDPR. Ngoài ra, Vương quốc Anh, Brazil và các tiểu bang  ở Mỹ đã ban hành luật bảo mật dữ liệu hạn chế, trong đó xứ sở cờ hoa xem xét các quy tắc và quy định trên ở cấp liên bang. Những năm tới, dự kiến sẽ có nhiều quốc gia xây dựng luật để điều chỉnh dữ liệu.

Sử dụng AI có trách nhiệm và đạo đức

Trong khi việc sử dụng AI có trách nhiệm và đạo đức tiếp tục là chủ đề nóng, không quốc gia hoặc khu vực nào có luật hoặc quy định cụ thể liên quan đến việc sử dụng AI có đạo đức hoặc bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sự thiên vị trong áp dụng hoặc phát triển các hệ thống AI. EU, Vương quốc Anh, Singapore, Australia và Đức đều đang tích cực xem xét quy định này và có các cuộc thảo luận nâng cao xung quanh chủ đề đó. Tuy nhiên, chưa quốc gia nào có luật cụ thể về AI liên quan đến trách nhiệm và đạo đức. Thời gian sẽ trả lời liệu các công ty có tự giám sát hoặc các chính phủ sẽ bắt tay điều chỉnh chính thức hay không. Hơn nữa, chưa có có hoạt động lập pháp hoặc quy định nào liên quan đến sử dụng AI có chủ đích xấu. Vì vậy, đây chính là khía cạnh mà các nhà lập pháp cần quan tâm thảo luận và xây dựng quy định liên quan.

Khá thú vị là nhiều quốc gia lo ngại về khả năng sử dụng AI để cung cấp năng lượng cho vũ khí tự động. 13 quốc gia đã tăng cường thảo luận về việc hạn chế sử dụng các hệ thống vũ khí tự động gây chết người, trong đó Bỉ đã thông qua luật ngăn chặn sử dụng hoặc phát triển hệ thống này.

Có vẻ như hiện tại có nhiều hướng dẫn được đề xuất hơn là luật. Tuy nhiên, những năm tới, hy vọng các quy định sẽ bắt kịp việc sử dụng AI trong các mô hình khác nhau. Khi mô hình tự hành của AI được áp dụng, đặc biệt là xung quanh các phương tiện tự hành, các quốc gia sẽ buộc phải cập nhật luật cho phù hợp. Khi chatbot và trợ lý ảo trở thành một phần thường xuyên hơn trong các tương tác của công ty với khách hàng, các luật xung quanh việc xác định xem ứng dụng có đang nói chuyện với khách hàng hay truy cập vào dữ liệu khách hàng, đặc biệt là dữ liệu cá nhân và nhạy cảm như tài khoản ngân hàng hoặc hồ sơ sức khỏe hay không là rất quan trọng.

AI trở thành chiến lược quốc gia

Hiện nay, việc áp dụng AI và các công nghệ có nhận thức không có dấu hiệu chậm lại và nhiều chính phủ tỏ ra rất quan tâm đến lĩnh vực này. Với lợi thế về sự phổ biến rộng rãi các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và internet vạn vật (Internet of Things), Mỹ là quốc gia đầu tiên (tháng 5.2016) xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển AI quốc gia (ban hành tháng 10.2016) với mục tiêu giúp Mỹ là cường quốc phát triển AI thế giới, từ đó, thúc đẩy nền kinh tế và an ninh quốc gia phát triển.

Năm 2018, Ấn Độ mới bắt đầu công bố chiến lược phát triển AI nhưng đã bao hàm một ý tưởng đột phá, đó là biến Ấn Độ trở thành “công xưởng” phát triển AI cho thế giới. Chiến lược mang tên là AI for all (AI cho tất cả) sẽ tập trung vào các dự án về chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng và giao thông cho thành phố thông minh.

Cũng trong năm 2018, Ủy ban Công nghiệp 4.0 Hàn Quốc công bố chiến lược phát triển AI quốc gia với vốn đầu tư 2.200 tỷ won nhằm trở thành một trong bốn cường quốc về phát triển AI trên thế giới. Chiến lược này kéo đến năm 2030 và chia làm 4 giai đoạn.

Còn tại châu Âu, Tổng thống Emmanuel Macron công bố chiến lược “lãnh đạo AI” quốc gia của nước Pháp với vốn đầu tư 1,5 tỷ euro trong 5 năm (2018 - 2022)…

Linh Anh