Hoàn thiện thể chế được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, đây cũng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Nếu chúng ta xây dựng được một hệ thống pháp luật thống nhất, chặt chẽ, tiến bộ sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và ngược lại.
Quan trọng là vậy, nhưng thực tiễn công tác xây dựng pháp luật thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại. Đó là tình trạng chồng chéo, những điểm “vênh” trong các quy định pháp luật, là khoảng trống mà pháp luật chưa điều chỉnh khi tình trạng "nợ đọng" văn bản hướng dẫn vẫn xảy ra. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn không chỉ là nguyên nhân dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống, mà còn tạo ra khoảng trống pháp luật gây khó cho cơ quan thực thi pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề hoàn thiện thể chế, những "điểm nghẽn" trong công tác xây dựng pháp luật đã được nhiều đại biểu quan tâm. Quốc hội cũng đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề này. Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội yêu cầu: Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Kịp thời phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Một lần nữa, vấn đề này lại được nêu rõ trong nghị quyết của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Điều đó cho thấy, yêu cầu về hoàn thiện thể chế, trong đó có việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong ban hành văn bản quy định chi tiết luôn được Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết. Việc Quốc hội thông qua một số lượng lớn các văn bản luật, nghị quyết đã thể hiện trách nhiệm rất lớn của Quốc hội đối với Nhân dân, doanh nghiệp trước những vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đòi hỏi. Tuy nhiên, chính sách sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa, phục vụ được người dân và doanh nghiệp khi sớm được triển khai trên thực tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Chính phủ phải chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương.
Để thực hiện được yêu cầu này, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng các văn bản pháp luật. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn. Cần coi kết quả hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu, của cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ này. Phải khắc phục cho được tình trạng vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản hướng dẫn. Không để tình trạng luật “chờ” nghị định, nghị định “chờ” thông tư, văn bản của địa phương “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của Trung ương. Không để khoảng trống pháp luật trở thành rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội.