Góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia
Có thể khẳng định, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những loại phương tiện đặc biệt, không chỉ liên quan trực tiếp đến tính mạng con người mà còn liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng; phát triển đất nước cũng như chủ quyền của quốc gia.
Để tạo cơ sở pháp lý cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm phát huy vai trò, tác dụng của vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong việc bảo đảm an ninh trật tự, nên ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn thi hành về vấn đề này.
Đặc biệt, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội ban hành ngày 20.6.2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018. Qua hơn 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật, các bộ, ngành, UBND, đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật, công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả nên đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong 05 năm, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại và nhiều bom, mìn, lựu đạn, thuốc nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ khác.
Ngoài ra, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh quyết liệt, hiệu quả đối với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong 5 năm, toàn quốc đã phát hiện 34.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng, thu 4.975 khẩu súng các loại...
Bộc lộ những tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần thiết bổ sung, sửa đổi để Luật không “lỡ nhịp” với hơi thở cuộc sống. Đơn cử về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực tế trong 5 năm, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án, trong đó: tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao làm công cụ, phương tiện gây án chiếm tỷ lệ rất cao, phát hiện 27.161 vụ, bắt giữ 46.693 đối tượng (chiếm 94,5% tổng số vụ, 92,8% tổng số đối tượng).
Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ cao, phát hiện 16.841 vụ, bắt giữ 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn có tính sát thương rất cao, gây án với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Thực tế điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí.
Hay một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc như: quy định tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; quy định: “Chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm chất lượng và kỹ thuật an toàn” là chưa phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017.
Hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu, chế tạo ra các loại vật liệu nổ công nghiệp mới nhưng chưa quy định việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới và không nằm trong danh mục vật liệu nổ công nghiệp nên công tác quản lý, sử dụng gặp rất nhiều khó khăn; quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết phải bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho 1 lượt vận chuyển và chưa có quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nên gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các nội dung trên nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân...
Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình để thấy rõ những bất cập và hạn chế của Luật hiện hành. Cũng như quy luật của cuộc sống, bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay bằng sự vật mới. Sự thay thế đó là tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của sự vật.
Do đó, việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cấp thiết, nhằmhoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...