Để “lòng tốt trở nên thừa”
Để xây dựng con người Việt Nam cần phải tạo môi trường văn hóa. Như nhà soạn kịch, nhà thơ lớn người Đức Bertolt Brecht từng nói: “Chỉ tốt không thôi chưa đủ. Phải sáng tạo hoàn cảnh trong đó lòng tốt trở nên thừa”.
Dù là dân tộc nào, nhắc đến con người, trước hết phải nói đến tính người, với các giá trị phổ quát cho nhân loại, sau đó mới nhắc đến cái riêng. Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhìn lại thời gian khổ ta lại thấy tình người được đề cao. Hàng vạn, hàng triệu người cùng nhường cơm sẻ áo, thương người như thể thương thân. Trong lúc loạn lạc như thế mà tuyệt đối không có trộm cắp. Bây giờ thấy văn hóa đang xuống cấp ghê gớm. Người người tôn thờ vật chất, vì đồng tiền bất chấp luật pháp, coi rẻ mạng người. Ngay trong ứng xử hằng ngày, nhiều xô xát gây án mạng chỉ đến từ va quệt giao thông, bởi một hai lời lỡ miệng… Căn cốt vấn đề xây dựng con người Việt Nam là phải bồi dưỡng tính người - điều mà dường như ta từng coi nhẹ.
![]() |
“Nhiều ý kiến trong Diễn đàn nêu ra các giá trị trội của con người Việt Nam nhưng phải tư duy khách quan, không tuyệt đối hóa giá trị nào. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cù lao động… có ở mọi quốc gia chứ không riêng Việt Nam. Có điều vì nước ta gặp chiến tranh, thiên tai liên miên nên các giá trị đó được huy động nhiều hơn, trở thành đặc tính trội hơn. Ca dao, dân ca cũng nhấn mạnh các giá trị đó, chẳng hạn: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, rồi “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… nhưng phải nhấn mạnh đó là sự khúc xạ giá trị nhân loại thành đặc trưng văn hóa Việt Nam”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên |
Nhà muốn mạnh, nền phải vững
Nguyên nhân chính khiến đạo đức xã hội xuống cấp, biến chất là do môi trường văn hóa kém. Con người sống trong hai môi trường tự nhiên và xã hội. Môi trường xã hội là gia đình, nhà trường, xã hội… Con cái trong một gia đình mà bố mẹ nho nhã hiền hòa, lời ăn tiếng nói nhã nhặn, nền nếp sẽ khác với con cái trong gia đình mà bố mẹ bạo lực, ăn nói thô lỗ… Nhưng môi trường tự nhiên không vô can, nếu thiên nhiên bị tàn phá thì con người cũng bị tác động tiêu cực… Ở Việt Nam, cả hai môi trường đó đều đang mất cân bằng, sinh thái tự nhiên ô nhiễm còn sinh thái văn hóa xuống cấp. Nhiều người ở nước ngoài về, ban đầu phê phán giao thông Việt Nam không đi theo hàng lối nhưng rồi cũng “nhập gia tùy tục”, vận hành theo. Nhiều người dạy con một đằng nhưng lại hành xử một nẻo thì liệu có dạy con được không? Ai cũng muốn con cái trung thực nhưng trung thực rồi thế nào? Thậm chí, có người đúc kết thành câu cửa miệng “thật thà là cha quỷ quái”, rồi “thật thà là cha dại”… đấy thôi.
Nếu không thay đổi môi trường thì ngay cả những người tốt dần dần sẽ bàng quan, thờ ơ vì thấy việc mình làm như “muối bỏ bể”… Bản thân tôi đã rơi vào trường hợp gặp người tai nạn rất muốn giúp nhưng lại sợ làm ơn mắc oán. Vào bệnh viện, đáng lẽ bác sĩ thấy người bị nạn là phải cứu, đằng này một số người lại hạch sách, gây rắc rối… Rất nhiều điều trái mắt, muốn can thiệp nhưng lại sợ bị trả thù, không dưng mang vạ vào thân.
Tôi xin trích dẫn một câu nói nổi tiếng của nhà soạn kịch, nhà thơ lớn người Đức Bertolt Brecht: “Chỉ tốt không thôi chưa đủ. Phải sáng tạo hoàn cảnh trong đó lòng tốt trở nên thừa”. Một ngôi nhà muốn mạnh, nền phải vững. Nhưng không dễ xây dựng môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa lành mạnh, vì bản tính con người thường theo điều xấu nhanh hơn; thứ hai là môi trường xã hội phức tạp nên khó thay đổi.
Quan trọng nhất phải thực hành hàng ngày
Xây dựng người Việt Nam, trong đó quan trọng trước hết là mỗi người phải có trách nhiệm với mình, tự tạo sức đề kháng với ô nhiễm bên ngoài. Để đề kháng được, cần gì? Tôi tin giữa người đọc sách và không đọc sách, người đọc sách sẽ khó làm điều ác hơn, nên cần vận động đọc sách nhiều hơn. Rồi từ phạm vi hẹp trong gia đình, ông bà, bố mẹ phải làm gương, truyền cho con tri thức, niềm tin vào lẽ phải, tình yêu thương con người, biết cách nhường nhịn và đấu tranh lành mạnh…
Bên cạnh đó, môi trường xã hội cũng phải thay đổi. Quanh ta luôn có những người âm thầm làm việc tốt để cải thiện môi trường văn hóa. Đó là một cách để xã hội sạch hơn, tốt lên, nhưng Nhà nước, các tổ chức xã hội phải có sự tiếp sức, khuyến khích, lan tỏa, nhân rộng ra.
Bây giờ không thể lấy giá trị trước kia để áp đặt nhưng vẫn phải trên nguyên tắc tôn trọng các giá trị trội hằng xuyên. Cũng với việc ra các quy tắc, luật lệ, phải tạo điều kiện để người ta thực hành các quy tắc, luật lệ đó. Chẳng hạn, vừa rồi Hà Nội đặt bài toán năm 2020 - 2025 cấm dần xe máy, nhưng làm phải theo lộ trình, một mặt giảm nhập khẩu, mặt khác Nhà nước cũng phải định hướng để người dân dần dần không muốn chọn xe máy nữa.
Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam xây dựng không ít chương trình, chiến dịch hành động, tháng ra quân, phát động phong trào… nhằm nâng cao ý thức của người Việt Nam. Đó là một cách để xây dựng con người Việt Nam nhưng chỉ có tính thời hạn. Trong khi xây dựng văn hóa quan trọng nhất là phải thực hành hàng ngày, mọi nơi, mọi lúc mới hiệu quả và hình thành thói quen.