Kinh tế tập thể chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh
Trải qua thời gian số lượng hợp tác xã (HTX) không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội.
Tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, cả nước có 20.000 HTX nông nghiệp, với chất lượng đã có sự thay đổi đáng kể. Năm 2022, số lượng thành viên các HTX xuống thấp, chỉ đạt 3,2 triệu thành viên trong số 9 triệu hộ nông dân, thì bước sang năm 2023, số lượng thành viên nông dân tham gia HTX gia tăng trở lại, đạt 3,8 triệu thành viên, tăng 600.000 thành viên so với năm ngoái, nâng số lượng thành viên bình quân trên mỗi HTX đạt 200 thành viên.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như điều kiện kinh tế - xã hội của thành viên thấp, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của hợp tác xã nghèo nàn. Kinh tế tập thể chưa phát triển đồng đều ở các lĩnh vực mà phần lớn tập trung ở khu vực nông nghiệp. Cùng với đó, các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể chưa được hấp thụ hết, các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học công nghệ, thị trường.
Cùng lúc đó, bối cảnh kinh tế mới đặt ra nhiều áp lực cạnh tranh; những tiềm ẩn, bất ổn chính trị trên thế giới vẫn khó lường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh trên khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể nước ta còn nhiều tồn tại như: năng lực, nội lực của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, hoạt động chưa theo kịp tình hình thị trường, chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể.
Các thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể để thay đổi, phát huy các lợi thế liên kết, cùng nhau hợp tác lại của mỗi thành viên theo mô hình hợp tác xã, qua đó tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Cần phát triển kinh tế tập thể theo hướng tôn trọng nguyên tắc tự lực
Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, "kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược".
Năm 2021, Liên minh HTX Việt Nam thông tin kết quả khảo sát tại 4 tỉnh, thành phố chịu tác động trực tiếp của Covid-19 cho thấy có tới 41% tổng số HTX không biết đến chính sách cho HTX vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động, 38% HTX không nắm được chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, để các HTX tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ cần xác định rõ HTX là đối tượng được thụ hưởng chính sách; sửa đổi các quy định hiện hành về điều kiện thụ hưởng chính sách với HTX một cách linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế và đáp ứng được yêu cầu phát triển, ngày 20.6.2023, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật HTX số 17/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024 thay thế Luật HTX số 23/2012/QH13. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HTX. Theo đó, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát triển HTX được đề xuất. Nổi bật là những hỗ trợ về nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; hỗ trợ chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu…
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm phát triển của khu vực HTX tại Cộng hòa Liên bang Đức, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) tại Việt Nam cho biết, hơn 20 năm trở lại đây, Đức không có các chính sách hỗ trợ riêng cho các HTX mà chủ yếu là các chính sách áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp khác trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, như nông nghiệp, năng lượng… Tiêu chí để được hỗ trợ theo các chương trình này thường dựa vào quy mô doanh thu, trong đó các HTX nhỏ thường được ưu tiên hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ có thể được hiểu là những quy định cụ thể trong luật và việc áp dụng một cách thống nhất, tạo điều kiện cho các HTX được tham gia một cách toàn diện vào nền kinh tế. Ngoài ra, HTX cũng được tham gia vào các chương trình hỗ trợ dành cho các loại hình doanh nghiệp khác khi họ đáp ứng các điều kiện của chương trình.
"Luật HTX và các quy định liên quan đến hợp tác xã của Đức tôn trọng nguyên tắc tự lực, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm của mô hình HTX - những nguyên tắc nền tảng, cơ bản được đặt ra từ giai đoạn đầu phát triển của HTX", bà Minh nhấn mạnh.
Còn tại Thái Lan, bà Jedsadaporn Sathapatyanon, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Cục Phát triển HTX, Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết, nước này có nhiều chương trình để giúp đỡ và thúc đẩy các hợp tác xã trên toàn quốc, tập trung vào 3 đề án chính. Thứ nhất là bổ trợ kiến thức và tăng cường năng lực qua hoạt động đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật. Thứ hai, giám sát, thể chế hóa, đăng ký và tăng cường hệ thống HTX. Thứ ba, khuyến khích và hỗ trợ các HTX sản xuất, thu gom, chế biến, tiếp thị và phát triển công nghệ. Nhờ những chính sách hỗ trợ đó, tính đến tháng 12.2022, Thái Lan có tổng cộng 7.638 HTX, trong đó có 4.139 HTX nông nghiệp và 3.499 HTX phi nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp là loại hình HTX lớn nhất, với gần 10% dân số Thái Lan là thành viên (khoảng 66 triệu người vào năm 2022).
Tại Việt Nam, còn không ít HTX còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc thành lập để nhận các chính sách hỗ trợ. Để chính sách là trợ lực thúc đẩy cho sự phát triển của kinh tế tập thể, việc tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để hợp tác xã có thể tiếp cận tín dụng cũng có thể coi là biện pháp hỗ trợ quan trọng. Đòn bẩy tài chính sẽ là chìa khóa để các HTX tiếp cận với mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực mà không triệt tiêu những nguyên tắc cơ bản của mô hình hợp tác xã, đặc biệt là nguyên tắc tự lực. Do đó, ngoài những vận động nội tại của HTX, Việt Nam cần học tập và áp dụng hiệu quả các bài học quốc tế để khu vực kinh tế tập thể phát triển mạnh về chất vững về lượng.