Chuyển đổi mô hình quản lý chợ Kim, huyện Đông Anh, Hà Nội

Để không còn khiếu kiện

- Thứ Ba, 27/11/2018, 08:43 - Chia sẻ
Chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xã hội hóa để đầu tư xây dựng hạ tầng các chợ khu vực nông thôn theo Nghị quyết 03/2003, Quyết định 559/TTg ngày 31.5.2004, Nghị định 114/2009 của Chính phủ, đã nhiều chợ trên toàn quốc được xây dựng khang trang, khai thác hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới. Chủ trương đúng đắn và hiệu quả như vậy, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi tại một số địa phương vẫn diễn ra khiếu kiện kéo dài. Sự việc ở chợ Kim - huyện Đông Anh là một ví dụ.

Nhiều sai phạm, dẫn đến khiếu kiện

Chợ Kim thuộc xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội được thành lập từ năm 1988, là nơi mua bán nông sản và hàng hóa thiết yếu của bà con trong vùng. Để có vốn xây dựng hạ tầng nông thôn, đầu những năm 2000, UBND xã Xuân Nộn tiến hành “cắt” một phần diện tích đất của chợ Kim chạy dọc mặt đường liên xã để phân thành 13 kiốt, đấu giá thu tiền 1 lần với tổng số tiền 7,8 tỷ đồng, thời gian “giao quyền sử dụng kiốt” là 50 năm. Bà Nguyễn Thị L, một trong những tiểu thương kinh doanh từ những ngày đầu có chợ cho biết: Các hộ được giao quyền sử dụng ki ốt, sau đó đã tự ý xây dựng thành những ngôi nhà khang trang, kiên cố cao 3 - 4 tầng. Sau khi dư luận phản ánh về sự việc này, các cơ quan chức năng của thành phố và huyện Đông Anh đã vào cuộc để thanh tra, kiểm tra và kết luận việc đấu thầu này là trái với quy định của pháp luật.


Khu kiốt đã xây dựng thành nhà ở

Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 1.1.2003 về việc phát triển chợ, UBND TP Hà Nội năm 2007 ban hành nhiều quyết định về việc phát triển chợ trên địa bàn, trong đó có Quyết định 3328/QĐ-UBND ngày 22.8.2007 về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn huyện Đông Anh. Ngày 4.12.2009 UBND huyện Đông Anh ra Quyết định 2865/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Kim, xã Xuân Nộn.

 Qua nhiều thủ tục từ phê duyệt mặt bằng tỷ lệ 1/500, phê duyệt giá sàn làm cơ sở đấu thầu, thông báo mời thầu, thông báo kết quả đấu thầu và ra quyết định công nhận doanh nghiệp trúng thầu, kết quả liên doanh Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại tổng hợp Việt Anh và Công ty TNHH Việt Anh (Công ty Việt Anh) là đơn vị trúng thầu quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Kim với tổng diện tích 8.353,8m2 đất với đơn giá trúng thầu là 25.600 đồng/1m2/năm, thời hạn thuê đất là 49 năm. Trong đó, bao gồm 2 khu đất nằm cạnh nhau với 4.772m2 là chợ Kim cũ các tiểu thương đang kinh doanh bình thường, 3.582m2 đất nông nghiệp là đất ao do UBND xã đang cho hộ ông Phạm Văn Bộ đấu thầu thời hạn 2003 - 2023. Sau khi trúng thầu, Công ty Việt Anh và xã Xuân Nộn tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng diện tích ao này và xây dựng dãy kiốt tạm để đưa các hộ tiểu thương lên kinh doanh, chuẩn bị các bước thủ tục tiến hành xây dựng khu kiốt trên nền khu chợ Kim cũ.

Tuy nhiên, theo Kết luận số 09/KL-UBND ngày 24.6.2016 của UBND huyện Đông Anh, trong quá trình thực hiện dự án Công ty Việt Anh đã vi phạm quy định như xây dựng các công trình khi chưa có giấy phép và sai với quy hoạch đã được phê duyệt, chưa lập phương án bố trí ngành hàng, nhóm hàng theo quy định, thu phí chợ khi chưa xây dựng chợ, chưa được cấp trên phê duyệt…

Giải pháp nào cho chợ Kim?

 Ngày 20.8.2014, UBND TP Hà Nội ra Quyết định 48/QĐ-UBND quy định việc thu phí tối đa/m2 theo tháng đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng diện tích bán hàng, kinh doanh dịch vụ trong các chợ trên địa bàn cụ thể như sau: Đối với chợ loại 1 là 200.000 đồng; chợ loại 2 là 100.000 đồng; chợ loại 3 là 100.000 đồng; Chợ nông thôn và chợ ngoài trung tâm các huyện là 15.000 đồng. Mức phí tối đa trên đã bao gồm thuế VAT, áp dụng cho tất cả các mô hình, đơn vị quản lý chợ phải trình phương án lên thành phố phê duyệt, ra quyết định rồi mới thực hiện.

Các tiểu thương thì cho rằng khi chuyển đổi mô hình quản lý chợ, chính quyền đã không lấy ý kiến, cán bộ tự ý lập danh sách 157 hộ kinh doanh, tự ký vào biên bản để hợp thức hóa, điều này sau đó đoàn kiểm tra của huyện kết luận chỉ ký thay 66 người. Tất cả những điều này khiến tiểu thương và nhân dân chợ Kim bất bình, 4 năm nay không nộp phí chợ, vệ sinh môi trường trong chợ ô nhiễm nặng, khiếu kiện kéo dài. Các tiểu thương cho rằng họ rất đồng tình với chủ trương xây dựng chợ mới được khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, họ không đồng ý khi chợ mới thiết kế không phù hợp để buôn bán. Vì cổng quá nhỏ, nằm sâu bên trong sẽ không buôn bán được, việc dự định xây dựng kiốt cao tầng trên nền chợ cũ rồi “bán” với thời hạn 49 năm sẽ lặp lại giống 13 kiốt như trước.

Đem những thắc mắc của tiểu thương chợ Kim trao đổi với ông Tạ Đức Minh - Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn, ông Minh cho rằng, việc để cho các hộ dân tự ý xây nhà kiên cố là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền xã Xuân Nộn. Thành phố và huyện yêu cầu giữ nguyên hiện trạng chờ hướng giải quyết, nhưng vì xã nóng lòng có vốn để xây dựng hạ tầng nông thôn nên đã làm như vậy. Những tập thể và cá nhân sai phạm hồi đó đã bị kỷ luật, nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, thu hồi các quyết định không đúng luật. Hiện xã đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động, cả hệ thống chính trị từ xã xuống thôn đã đến tận từng gia đình để giải thích, giúp dân hiểu được chủ trương đúng đắn của cấp trên và chấp hành. Ông Minh cũng cho biết phía doanh nghiệp đã cam kết khi ổn định chợ sẽ chỉ thu 50% mức phí do thành phố quy định.

Chánh văn phòng UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng chia sẻ: Với chủ trương xã hội hóa xây chợ mới, thời gian đầu các hộ kinh doanh rất đồng tình, tuy nhiên sau đó mức phí thu cao, nên dân phản ứng. Quan điểm xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ vẫn phải làm, huyện chỉ còn 4 chợ đang xã hội hóa, việc tích cực vận động tuyên truyền tới nhân dân, từng bước xử lý những tồn tại để ổn định tình hình, tiêu chí chợ cũng là quan trọng trong mục tiêu phấn đấu đưa Đông Anh trở thành quận vào 2023.

Bài và ảnh Từ Thức