Để hoạt động giám sát không còn mang tính hình thức

- Thứ Năm, 25/11/2021, 12:02 - Chia sẻ
Giám sát là nhiệm vụ quan trọng của HĐND, đồng thời cũng chính là công cụ để HĐND phát huy được quyền lực, vai trò của mình, nâng cao vị trí người đại biểu dân cử tại địa phương. Trong bài bài giảng của mình tại lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu HĐND cấp tỉnh do Bộ Nội vụ tổ chức, Nguyên Phó Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, TS. Bùi Đức Thụ đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu nhằm giúp các đại biểu thực hiện tốt công tác này.

Cung cấp cơ sở để xây dựng pháp luật

Đánh giá về vai trò và chất lượng của đại biểu HĐND, TS. Bùi Đức Thụ cho rằng, hoạt động của HĐND không ngừng được đổi mới, hiệu lực và hiệu quả nâng lên rõ rệt, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của HĐND còn nhiều bất cập, nhiều hoạt động vẫn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào căn cốt của vấn đề, cần tiếp tục đổi mới. Việc nâng cao chất lượng, kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Nguyên Phó Ban Công tác Đại biểu của Quốc hội TS. Bùi Đức Thụ với bài giảng về kỹ năng giám sát.
Nguyên Phó Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, TS. Bùi Đức Thụ với bài giảng về kỹ năng giám sát.

Nói rõ hơn về hoạt động giám sát, TS. Bùi Đức Thụ chia sẻ, giám sát là hoạt động của cơ quan, tổ chức độc lập từ bên ngoài. Giám sát của HĐND là giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, cơ quan đại biểu của Nhân dân địa phương, nhằm xem xét việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Pháp luật quy định, trong hoạt động giám sát, các đại biểu không chỉ giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương mà còn giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của 2 chủ thể là Quyết định của UBND và Nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngoài ra, đại biểu còn có nhiệm vụ giám sát giải quyết các khiếu nại tố cáo, các kiến nghị của công dân.

“Trong mỗi nhiệm vụ, lại có những kỹ năng riêng, nếu làm tốt, sẽ giúp đại biểu khẳng định vị thế của bản thân và góp phần đổi mới hoạt động của HĐND cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương” - TS. Bùi Đức Thụ nói thêm.

Các địa phương lắng nghe bài giảng tại hơn 50 điểm cầu.
Các địa phương lắng nghe bài giảng tại hơn 50 điểm cầu.

Công tác giám sát cũng đóng vai trò thu thập, cung cấp các bằng chứng, dẫn chứng để giúp các địa phương xây dựng văn bản pháp luật và hoạch định chính sách. Theo TS. Bùi Đức Thụ, nếu không làm tốt công tác này, việc xây dựng pháp luật, chính sách rất dễ đi vào lối mòn, xa rời thực tế, không gắn với lợi ích của Nhân dân và khó đi vào cuộc sống. Hay nói theo một cách khác, khi ban hành một văn bản pháp luật, nghị quyết, nghị định thì không thể thiếu những luận điểm, luận cứ từ thực tiễn, tồn tại trong hiện thực cuộc sống (kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, quản lý nhà nước…). Chính vì vậy, việc xây dựng pháp luật không thể tách rời với hoạt động giám sát và đây cũng là một trong những trách nghiệm rất nặng nề của người đại biểu dân cử.

Tránh trường hợp giám mà không sát

Theo TS. Bùi Đức Thụ, để thực hiện tốt công tác giám sát, người đại biểu cần tuân thủ 5 nguyên tắc cơ bản, đầu tiên là tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; thứ hai việc giám sát cần khách quan, trung thực để tránh tình trạng “ăn cây nào rào cây ấy”, dù biết rất sâu nhưng vẫn bảo vệ sai phạm của người cùng ngành. Thứ ba, mọi hoạt động giám sát cần công khai, minh bạch từ kế hoạch, quá trình cho tới kết quả giám sát. Có những vấn đề công khai rất dễ nhưng minh bạch lại rất khó; để đạt được sự “minh bạch” phải có quá trình quan sát, thẩm tra và xác minh kỹ càng. Nguyên tắc thứ tư, mọi hoạt động giám sát không được làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Cuối cùng là bảo đảm yếu tố thiết thực và hiệu quả, đại biểu cần lựa chọn những vấn đề mà đa số cử tri quan tâm, những chương trình trọng điểm của địa phương mình để theo dõi. 

Song song với đó, người giám sát cũng cần đưa ra những yêu cầu cụ thể khi tiến hành giám sát, phải lấy hiệu quả của giám sát làm chỉ tiêu. Giám sát nếu chỉ mang tính hình thức thì đại biểu không thể phát hiện được sai phạm, từ đó, không thể mang lại hiệu quả cao, gây lãng phí thời gian và kinh phí.

Các đại biểu HĐND tại tỉnh Yên Bái lắng nghe bài giảng.
Các đại biểu HĐND tại tỉnh Yên Bái lắng nghe bài giảng.

Thêm vào đó, để tránh trường hợp “giám mà không sát, sát mà không dám”, ngoài công tác đào tạo, bồi dưỡng thì mức độ chủ động, nhạy bén và bản lĩnh của từng đại biểu với các vấn đề của địa phương là vô cùng quan trọng. Đại biểu HĐND cần có “phông nền” về pháp luật vững vàng để phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật, từ đó, tham mưu giúp địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, phương thức quản lý và xử lý sai phạm.

"Tôi cho rằng, điều cơ bản là đại biểu phải đủ kiến thức để nhận định được điều gì đúng, điều gì sai; điều gì trước đây là đúng nhưng thực tiễn thay đổi nên không còn phù hợp; điều gì đúng nhưng chưa phù hợp với năng lực quản lý của các cấp, các ngành tại địa phương… để từ đó tham mưu những giải pháp giúp hoàn thiện bộ máy quản lý. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có cơ chế hỗ trợ, ví dụ như văn phòng làm việc, sử dụng chuyên gia tư vấn. Cùng với đó, cũng cần thiết lập rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan trong các vấn đề tồn tại mà đại biểu HĐND phát hiện" - TS. Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.

Các đại biểu HĐND tại tỉnh Ninh Thuận lắng nghe bài giảng.
Các đại biểu HĐND tại tỉnh Ninh Thuận lắng nghe bài giảng.

Một vấn đề cần lưu ý nữa trong quá trình giám sát là chất vấn đối tượng chịu sự giám sát. TS. Bùi Đức Thụ cho rằng khi thực hiện nội dung này, cần lựa chuẩn bị thật kỹ quá trình thu thập, xử lý thông tin. Từ đó, chọn nội dung chất vấn đúng, trúng và có tầm.

“Chất vấn không có nghĩa đại biểu hỏi để biết thông tin mà phải hỏi để tìm ra giải pháp. Chất vấn chỉ có ý nghĩa khi người chịu trách nghiệm đưa ra được phương hướng để giải quyết các vấn đề tồn tại và nêu rõ thời gian để khắc phục những vấn đề đó. Khi câu trả lời không thỏa đáng, đại biểu hoàn toàn có quyền tranh luận hoặc chất vấn lại trực tiếp hoặc thông qua văn bản” - TS. Bùi Đức Thụ chia sẻ thêm.

Tùng Dương