Sổ tay hướng dẫn lồng ghép biến đổi khí hậu:

Dễ hiểu, dễ vận dụng

- Thứ Sáu, 03/12/2021, 16:58 - Chia sẻ
Sổ tay hướng dẫn lồng ghép biến đổi khí hậu phải dễ hiểu, dễ đọc, cụ thể, phù hợp với trình độ dân trí của người dân cũng như cán bộ cấp xã là ý kiến của nhiều đại biểu tại cuộc hội thảo “Góp ý  Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 05/2016-TT-KHĐT và Xây dựng khung lồng ghép phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu và kế hoạch địa phương” do Trung tâm Phát triển Cộng đồng Bền vững (SCODE); Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức ngày 3.12.
Phụ nữ ở xã Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, Quảng Trị thảo luận về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai

Lồng ghép các kế hoạch

Giám đốc SCODE Ngô Thị Lan Phương cho biết, lồng ghép biến đổi khí hậu là sự cân nhắc đưa các vấn đề về biến đổi khí hậu vào quá trình hoạch định và thực thi các chính sách phát triển, đặc biệt là chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Mục đích của việc lồng ghép nhằm đảm bảo tính bền vững của các chính sách phát triển kinh tế – xã hội các cấp trước tác động của biến đổi khí hậu.

Từ 2016, Việt Nam đã có Sổ tay Hướng dẫn lồng ghép phòng chống thiên tai và Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lồng ghép phòng chống thiên tai vào kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa có Sổ tay hướng dẫn lồng ghép biến đổi khí hậu. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT về hướng dẫn nội dung lồng ghép phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, KT-XH.  

Dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai là một phần nội dung của Quy hoạch nên việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch. Đồng thời cũng đưa ra quy trình thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch gồm 4 bước sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương không bị nhầm lẫn giữa việc phải tự xây dựng các biện pháp phòng, chống thiên tai hay chỉ lựa chọn trong Kế hoạch phòng, chống thiên tai cùng cấp đã có.

Phó chủ tịch UBND xã Hải Triều, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tân nêu thực tế, Lập kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã được được thực hiện 2 lần/năm vào tháng 5 và 11 với quy trình 6 bước. Trong khi đó, Kế hoạch phòng chống thiên tai cấp xã được lập vào tháng 3 hằng năm với quy trình hai bước, gồm: đánh giá quá trình biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và xây dựng kế hoạch cho năm tới. Như vậy, trong 1 xã nhưng lại có hai loại kế hoạch cần phải lập, trong khi đó có thể lồng ghép vấn đề lại với nhau. Bởi có biến đổi khí hậu, thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KT –XH. Nếu lồng ghép được cán bộ xã sẽ chỉ phải thu thập thông tin một lần; đồng thời khi hỗ trợ lại có được các giải pháp thống nhất, đồng bộ.

Phụ nữ xã Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị được tập huấn về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai

Được biết, từ 10 – 25.11. 2021, Trung tâm SCODE phối hợp với Hội nông dân Hòa Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đã tổ chức tập huấn về Bình đẳng giới và Biến dổi khí hậu; tham vấn cộng đồng 5 xã của tỉnh Hòa Bình và Quảng Trị.

Vận dụng kiến thức bản địa

Ts Nguyễn Ngọc Sinh Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, việc xây dựng kế hoạch và lồng ghép là rất cần thiết và lợi ích nhiều mặt từ tài chính, nhân sự, đến tổ chức triển khai. Nhưng việc lồng ghép như thế nào ở cấp xã cho phù hợp với điều kiện nhân lực, tài chính của cấp xã; cũng như dân trí là những vấn đề cần cân nhắc. Điều này đòi hỏi khi xây dựng Sổ tay hướng dẫn lồng ghép biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cần lấy ý kiến góp ý của các đối tượng liên quan.

Đồng tình với TS Sinh, TS Trần Văn Miều, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: hiện nay ở xã đã thực hiện lồng ghép rất nhiều chương trình như: ma túy, mại dâm, phòng chống thiên tai… Chính vì thế, cần làm từng bước, thí điểm ở một số địa phương, từ đó nhân rộng. Quá trình xây dựng Sổ tay hướng dẫn lồng ghép cần chú trọng đến vai trò của cộng đồng dân cư – vì họ là nơi thụ hưởng; đồng thời cấn vận dụng sử dụng trí thức bản địa trong lồng ghép để gần gũi với cộng đồng dân cư, từ đó dễ áp dụng, ông Miều nhấn mạnh.

Đứng từ góc độ đơn vị tổ chức thực hiện chính sách, Phó chủ tịch UBND xã Hải Chính, Hải Triều, Nam Định Nguyễn Xuân Phát kiến nghị, để người dân và chính quyền cấp xã sử dụng được Sổ tay cần nâng cao ý thức của người dân về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu thì Sổ tay cần trình bày đơn giản, dễ hiểu; đồng thời cần tập huấn cho đội ở xã về nội dung phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; hỗ trợ kỹ thuật xử lý rác thải...

Từ những ý kiến trên có thể thấy, việc lồng ghép các kế hoạch từ cấp xã là cần thiết, tuy nhiên khi mà hiểu biết về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai của người dân và cán bộ cấp xã còn ít nhiều hạn chế thì việc tập huấn, nâng cao nhận thức, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính là điều kiện cần và đủ để Sổ tay đi vào cuộc sống để người dân đón nhận quay trở lại phục vụ đời sống sản xuất, kinh doanh. Điều này rất cần sự vào cuộc của cộng đồng, tổ chức chính trị - xã hội, dân sự. 

Phạm Hải