Để hàng hóa lưu thông thông suốt...

- Thứ Ba, 31/08/2021, 05:46 - Chia sẻ
Tại một cuộc họp mới đây với một số bộ, ngành và các địa phương để tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, hàng hóa nào cũng là thiết yếu...

Lý do để Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phải khẳng định như vậy là bởi thời gian qua, tình trạng tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa giữa các địa phương ngày càng "phổ biến", thậm chí có thời điểm khá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân.

Ví dụ điển hình cho tình trạng này là dù theo Bộ Giao thông Vận tải thì tất cả các tuyến đường bộ, đường thủy đều là luồng xanh phục vụ vận chuyển hàng hóa nhưng thực tế không ít địa phương vẫn có các trạm, ban hành nhiều thủ tục, giấy tờ nhằm kiểm soát cả người, phương tiện vận chuyển, dẫn đến giao thông bị ùn ứ, tắc nghẽn, nguyên liệu phục vụ sản xuất không đến được nhà máy, hàng hóa, nông sản khó đến được thị trường khiến doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế, không phải chỉ Bộ Giao thông Vận tải mà cả Bộ Công thương cũng đã "biết" tình trạng này. Và dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về lưu thông hàng hóa thiết yếu, yêu cầu các địa phương không được đặt các điều kiện cản trở lưu thông nhưng do cách hiểu cũng như việc tổ chức thực hiện khác nhau nên một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân gặp khó khăn, thậm chí ách tắc.

Bởi vậy, ngày 27.7, Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì liệt kê danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông. Theo đó, ngoại trừ các hàng hóa nằm trong danh mục 19 hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và 6 danh mục hàng hóa bị hạn chế kinh doanh, các loại hàng hóa khác đều được lưu thông.

Ngoài ra, ngày 29.7, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định trên tất cả tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện QR code hoặc có nhưng hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2 đối với người trên phương tiện... Tại các vùng có dịch, UBND các tỉnh, thành phố chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp, hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt qua địa bàn...

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa cũng phải thông suốt. Đặc biệt, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc xem xét bãi bỏ danh mục hàng thiết yếu, bỏ các "giấy phép con" là điều kiện tiên quyết. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào để vừa nhất quán giữa các địa phương, vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu kép.

Khánh Ninh