Để giáo viên sống được bằng lương

Nguyên Hải 27/05/2011 09:42

Lương và phụ cấp theo lương của giáo viên phổ thông (GVPT) là nguồn thu nhập chính yếu để bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình, nhưng thực tế, GVPT đang không sống được bằng lương. Vấn đề này đã được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Hội nghị lấy ý kiến về chế độ, chính sách đối với GVPT và đề nghị, phải có những giải pháp để GVPT sớm sống được bằng lương.

So với những năm trước, tiền lương của GVPT hiện nay đã được cải thiện một bước. Theo tiến trình cải cách tiền lương chung đối với người lao động, hệ thống thang, bảng lương của GVPT cũng có nhiều thay đổi tương ứng với ngạch chức danh GVPT. Ngoài ra, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (năm 2009), GVPT còn được hưởng phụ cấp lương theo nghề, theo đó, một giáo viên có thể được hưởng nhiều loại phụ cấp như phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thu hút và một số loại trợ cấp cho giáo viên công tác tại các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn… Những chính sách này là sự động viên, khích lệ để giáo viên có thể bám trụ với nghề, đồng thời có tác dụng nhất định trong việc huy động sinh viên mới ra trường, giáo viên miền xuôi đến công tác tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng như các địa bàn khó khăn.

Tuy nhiên, kết quả giám sát, khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ về chế độ, chính sách đối với GVPT tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, với chính sách lương hiện tại, mức sống của đại bộ phận GVPT nước ta hiện nay vẫn ở mức trung bình, thậm chí thấp hơn mặt bằng chung của xã hội. Tiền lương của GVPT hiện nay chưa bảo đảm tái sản xuất sức lao động, chưa trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của cán bộ, giáo viên và chưa thực sự là thước đo giá trị sức lao động cũng như trở thành đòn bẩy kích thích cán bộ, giáo viên làm việc với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình và sức sáng tạo cao.

Tại hội nghị lấy ý kiến về chế độ, chính sách đối với GVPT do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ vừa tổ chức, nhiều ý kiến cũng cho rằng, mặc dù vị trí, vai trò của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã được Đảng, Nhà nước và xã hội khẳng định, tôn vinh nhưng thang, ngạch bậc lương, phụ cấp theo lương của GVPT chưa thể hiện đúng tầm của vị trí, vai trò đó; chưa thực sự có một chiến lược và cải cách thực sự mạnh mẽ để tương xứng với nhiệm vụ của đội ngũ có sứ mệnh thực hiện quốc sách hàng đầu trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tiếp theo.

Nghị quyết TƯ 2 Khóa XIII đã xác định: lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp đặc biệt tùy theo tính chất công việc, tùy theo vùng do Chính phủ quy định. Điều 71 Luật Giáo dục năm 1998 cũng quy định: Thang, bậc lương của nhà giáo là một trong những thang bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp của Nhà nước. Song trong thực tế, so với các chức danh cùng loại trong các đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước thì thang, bậc lương của GVPT không cao hơn, thậm chí còn thấp hơn. Ví dụ, giáo viên tiểu học thấp hơn bậc lương của 24 chức danh cùng viên chức loại B; trong 53 chức danh cùng được xếp chung, bậc lương của giáo viên trung học phổ thông không cao hơn bậc lương của chức danh cùng loại nào hay ngạch lương của giáo viên trung học cao cấp thấp hơn bậc lương của 28 chức danh cùng loại công chức, viên chức A2.

Việc xếp ngạch, bậc lương còn nhiều điểm chưa hợp lý. Trong khi các bậc học khác có đủ 3 loại chức danh: giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp thì giáo viên trung học phổ thông chỉ có 2 chức danh là giáo viên THPT và giáo viên THPT cao cấp nên khi chuyển xếp lương có nhiều giáo viên bị thiệt thòi. Số năm giáo viên hưởng vượt khung hiện quá dài. Lương của giáo viên THCS có 10 bậc, lương giáo viên THPT có 3 bậc, nếu bình thường 3 năm mới được nâng lương một lần thì đến khoảng trên dưới 50 tuổi, giáo viên sẽ đội khung, hết bậc lương quy định, trong lúc nữ giáo viên còn khoảng 5 năm và nam giáo viên còn khoảng 10 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Chưa kể người nào được lên lương trước thời hạn 1 - 2 bậc thì tình trạng đội khung lương tính đến thời điểm về hưu còn lớn hơn.

Về các khoản phụ cấp theo lương, trong những năm qua, các chế độ đãi ngộ, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp vùng miền đối với nhà giáo tuy đã được bổ sung nhằm động viên, tạo điều kiện để các nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề và dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục…. nhưng mức phụ cấp ưu đãi mà GVPT được hưởng hiện vẫn thấp hơn mức phụ cấp quy định trong Quyết định 973 ngày 17.11.1997 của Thủ tướng Chính phủ. Phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa trước đây là 70% nay chỉ còn 50%. Việc cán bộ quản lý giáo dục không được hưởng phụ cấp ưu đãi cũng ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Theo tính toán, tiền lương của một cán bộ quản lý trường học giỏi được điều động về công tác ở cơ quan quản lý giáo dục giảm khoảng 50%, giáo viên giỏi trường THPT có 15 năm công tác được điều lên làm chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo thì giảm thu nhập từ lương khoảng 42%. Điều quan trọng là phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp đứng lớp không được dùng để tính đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như chế độ thâm niên trước đây nên khi nhà giáo nghỉ hưu thì lương bị giảm quá lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ… Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo trước đây được thực hiện từ ngày 1.9.1988, tuy nhiên sau nhiều lần thay đổi, chế độ này đã bị bãi bỏ và chỉ được áp dụng đối với các ngành cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, lực lượng vũ trang.

Hệ quả nhãn tiền của chế độ tiền lương và phụ cấp thấp, chưa hợp lý trước hết là không thể bảo đảm được cuộc sống cho GVPT và gia đình. Kết quả khảo sát năm 2010 ở 27 trường thuộc 5 tỉnh, thành phố cho thấy, thu nhập của giáo viên trẻ mới ra trường khoảng 2 triệu/tháng; giáo viên có thâm niên trên dưới 10 năm khoảng 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này chắc chắn không đủ trang trải các khoản chi thường xuyên để bảo đảm mức sống trung bình của giáo viên và gia đình trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Trong khi mức lương tính theo GDP của giáo viên tiểu học, THCS và THPT ở một nước thu nhập trung bình là 1,84-2,04-2,49 thì ở nước ta là 1,5-1,55-1,6 (năm 2005). Nhưng điều đáng lo ngại hơn, chế độ tiền lương và phụ cấp thấp, không hợp lý đã và đang làm giảm đi sức thu hút của nghề dạy học và giảm động lực phấn đấu, cống hiến của nhà giáo. Do đồng lương từ nhà trường không đủ sống, không ít giáo viên đã phải dạy thêm, thậm chí làm thêm nhiều việc khác để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Chính sách – Pháp luật Công đoàn giáo dục Việt Nam Trịnh Thăng Mạnh, việc dạy thêm chỉ xảy ra với một bộ phận giáo viên khoa học tự nhiên, ngoại ngữ và chỉ diễn ra ở đô thị, vùng KT - XH phát triển. Ở nông thôn, miền núi, vùng KT - XH kém phát triển thì hầu hết việc làm thêm của giáo viên là những việc không liên quan gì đến chuyên môn như làm ruộng, chăn nuôi, trồng trọt, thợ may, buôn bán nhỏ, đánh máy, chụp ảnh… Thực tế, nhiều thầy, cô đang bớt đi thời gian, công sức đầu tư cho việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng giờ giảng trên lớp để làm những việc không liên quan đến nghề nghiệp chỉ vì mục đích bảo đảm chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển KT - XH, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, trong đó có không ít công việc đem lại thu nhập cao hơn việc dạy học đã thu hút các nhà giáo, khiến một số nhà giáo chuyển nghề, còn trong số những nhà giáo đứng lớp thì có một bộ phận đáng kể không mặn mà với nghề nghiệp. Trong cuộc điều tra ngẫu nhiên với 526 giáo viên, 40,9% giáo viên tiểu học, 59% giáo viên THCS, 52,4% giáo viên THPT cho biết không muốn làm nghề dạy học nếu được chọn lại nghề nghiệp (!). Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thi vào ngành sư phạm giảm tới 15.000 hồ sơ so với năm 2010. Nếu như tỉnh Thanh Hóa trước đây có 30.000-40.000 thí sinh thi vào sư phạm thì nay giảm 2/3; với Bắc Ninh, trong số 30.000 thí sinh chỉ có 1.000 hồ sơ vào sư phạm… Giáo sư Nguyễn Mậu Bành ví von một cách chua xót, trước đây có câu Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm thì ngày nay Chuột chạy cùng sào cũng không vào sư phạm.

Theo TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, để khắc phục tình trạng mất động lực của giáo viên, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ tập trung vào 3 nhóm giải pháp: nhóm giải pháp liên quan đến tiền lương và đời sống của giáo viên, nhóm giải pháp liên quan đến đặc trưng nghề nghiệp và nhóm giải pháp liên quan đến tiếng nói của giáo viên. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất về cơ bản phải đạt được mục tiêu làm thế nào để giáo viên sống được bằng lương. Tất nhiên, đây là bài toán khó vì nó không chỉ khu trú trong ngành giáo dục mà liên quan đến toàn bộ hệ thống công chức. Cuộc cải cách tiền lương hiện nay, với sự tăng lương danh nghĩa theo từng đợt và giảm lương thực tế do lạm phát từ năm này sang năm khác đã không mang lại kết quả như mong muốn. Trong khi chờ đợi những giải pháp đột phá trong cải cách tiền lương, TS Tiến cho rằng nếu thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì cần thiết phải tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục, nâng cao hiệu quả chi phí trong giáo dục, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục theo hướng ưu tiên cải thiện trước một bước chế độ lương giáo viên để giáo viên sớm sống được bằng lương.

Để đội ngũ nhà giáo nói chung và GVPT nói riêng có thể yên tâm gắn bó với nghề nghiệp, đầu tư thời gian, công sức nâng cao chất lượng chuyên môn, thiết nghĩ Nhà nước cần có chủ trương, chính sách, đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo ổn định, bền vững và mang tính chiến lược thực sự. Những chính sách, chế độ đó phải được luật hóa, tránh những thay đổi theo hướng giảm bớt quyền lợi làm tác động không tốt đến tâm lý của nhà giáo. Trong các chế độ, chính sách đó, chính sách về tiền lương và phụ cấp theo lương đóng vai trò, chức năng là động lực thúc đẩy và phát triển, xây dựng đội ngũ nhà giáo của nước nhà. Về lâu dài, những chính sách này phải được xây dựng và quy định trong dự án Luật Giáo viên đã được đưa vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của QH Khóa XII nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Để giáo viên sống được bằng lương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO