Để gạo Việt vươn xa

- Thứ Ba, 15/12/2020, 08:30 - Chia sẻ
Tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2020 diễn ra tại Mỹ vừa qua, gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải nhì. Giải nhất cuộc thi năm nay thuộc về giống gạo Hom Mali của Thái Lan. Thông tin này được dư luận rất quan tâm. Bởi mới chỉ cách đây một năm, cũng chính gạo ST25 đại diện cho Việt Nam đã giành giải nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2019, được tổ chức tại Manila, Philippines.

Là nước nông nghiệp, từ năm 1989 - 2019, gạo Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia. Mặc dù là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới về số lượng nhưng trong suốt 30 năm qua, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam. Việc gạo ST25 từng đạt thương hiệu gạo ngon nhất thế giới đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam khi khẳng định được vị thế mặt hàng nông sản trên bản đồ thế giới. Kỹ sư Hồ Quang Cua - “cha đẻ” của giống gạo ST25 từng chia sẻ, ông rất tự hào về sản phẩm gạo mà ông - một người gắn bó với đồng ruộng trên 25 năm cùng với các cộng sự đã dày công nghiên cứu và tạo chọn. Người Việt chọn gạo ST25 để ăn trong thời gian qua cho thấy, người Việt vẫn tin dùng hàng Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm chất lượng cao.

Không khó để thấy rằng, trong thị trường nội địa, người tiêu dùng tìm đến gạo Việt ngon đứng đầu thế giới ngày càng nhiều. Còn với thị trường nước ngoài, “cha đẻ” của gạo ST25 cho rằng, khả năng gạo an toàn đi vào thị trường Mỹ và châu Âu là rất dễ dàng. Bởi sau khi gạo ST25 đạt giải, có rất nhiều khách hàng nước ngoài đặt mua nhưng không đủ bán. Rõ ràng, với vị trí số 1, gạo ST25 đã tạo nên thương hiệu cho gạo Việt Nam là “tấm căn cước” vô giá để gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu cũng như vươn tầm quốc tế.  

Tuy vậy, năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại đưa gạo ST25, vốn đã dành ngôi vị số 1 thế giới năm 2019 đi thi và chỉ dành vị trí số 2 thế giới, thực sự đã gây sự phản ứng thiếu tích cực từ phía những nhà khoa học, kinh tế và đặc biệt là từ phía doanh nghiệp. Việc đưa gạo đã từng đoạt giải cao “đi thi” không vi phạm quy định của Ban tổ chức, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm thương hiệu “thiếu khôn ngoan”. Bởi lẽ, gạo ST25 đang được làm thương mại mạnh mẽ do có danh hiệu ngon nhất thế giới nhưng giờ lại về nhì đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển thương mại cho loại gạo này.

Phải mất rất nhiều năm, Việt Nam mới dành được vị trí gạo ngon nhất thế giới. Trong khi cách làm thương mại từ thương hiệu số 1 của sản phẩm này đang có những thành công thì việc đưa ST25 đi thi như vừa qua đã vô hình trung tạo nên hiệu ứng ngược. Có thể người lựa chọn sản phẩm đi thi đã không lường trước được những rủi ro. Việc sản phẩm năm nay thương hiệu cao nhưng năm sau nhường ngôi cho sản phẩm khác cũng là điều bình thường, bởi mỗi năm, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia đều có sự đầu tư cho sản phẩm của mình. Đó là sân chơi mà người chơi chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng để có vị thế tương xứng.

Tuy nhiên, với những người lo xa đến thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia thì việc đưa sản phẩm đã từng đoạt giải cao để tiếp tục “mang chuông đi đánh xứ người” là điều hoàn toàn không nên. Và đương nhiên, khi ST25 bị “rớt hạng”, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính vị thế của sản phẩm này trên thị trường nội địa và thế giới mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của các doanh nghiệp khi đang kinh doanh sản phẩm này.

Có lẽ, đây là bài học đắt giá trong việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt trên thị trường quốc tế. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt là cả một quá trình dài, bao gồm cả việc xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu doanh nghiệp. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài bên cạnh thương hiệu phải dành được sự tin tưởng của khách hàng, qua đó nâng tầm giá trị gạo Việt. Cùng với đó, yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo Việt Nam nói riêng phải có chiến lược đầu tư, nghiên cứu phát triển các giống cây trồng cũng như một chiến lược xây dựng thương hiệu một cách bài bản; bởi đạt được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn nhiều.

Lê Hùng