Hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển tích cực
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 có những điểm sáng, theo đó quý I.2023 tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017 - 2022 (33.191 doanh nghiệp).
Trong các quý tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng, luôn ở mức trên 40 nghìn doanh nghiệp. Đây là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay. Trong quý IV.2023, có 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017 - 2022.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 (159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp. Con số này thực sự ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023…
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vẫn có những bước phát triển hết sức tích cực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, sức cạnh tranh chưa cao, nguồn lực còn hạn chế, độ mở nền kinh tế lớn nên bị tác động nhiều bởi diễn biến tình hình kinh tế bên ngoài. Việc nắm bắt được xu hướng người tiêu dùng, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Tiến Thịnh, năm 2023, Việt Nam có khoảng 20 địa phương đã và đang xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 60 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương. 39 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Theo ông Thịnh, hệ thống cơ chế, chính sách về khởi nghiệp theo hướng phi tập trung, nhưng có độ bao phủ và ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo như: Nghị định số 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; Quyết định 188/QĐ-TTg năm 2021 sửa đổi Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; Luật Đầu tư cũng có những quy định về ưu đãi đầu tư các dự án đổi mới sáng tạo, thủ tục đầu tư đổi mới sáng tạo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Cần giải pháp đột phá về chính sách
Ông Đỗ Tiến Thịnh khẳng định, quy định ưu đãi đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp thành lập là một bước tiến lớn trong chính sách. Các ưu đãi cho cá nhân, chuyên gia, người lao động trong các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bước đầu được quan tâm. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách hỗ trợ về nguồn lực, cơ chế thí điểm (Sandbox) cho đổi mới sáng tạo đã được quan tâm hơn. Đặc biệt, các chương trình, đề án, dự án của Trung ương hỗ trợ đổi mới sáng tạo đã được quan tâm xây dựng, triển khai và có những tác động tốt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong năm 2024, doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn phải đương đầu với khó khăn trong hoạt động huy động vốn. Do đó, cần áp dụng những giải pháp linh hoạt, đồng bộ, đặc biệt chú trọng những giải pháp mang tính đột phá về mặt chính sách.
Bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tập trung vào xu hướng phát triển chậm nhưng vững chắc để tồn tại, tối ưu chi phí và đa dạng hóa các nguồn thu, đảm bảo dòng tiền của mình.Họ cần phải tập trung vào các sản phẩm cốt lõi, mang lại giá trị thực sự để thuyết phục người tiêu dùng hướng tới và ở lại sử dụng.
Đặc biệt, cần tăng cường khả năng tiếp cận vốn đầu tư của doanh nghiệp khởi nghiệp. Gia tăng khả năng ảnh hưởng và hiệu quả hoạt động của quỹ phát triển doanh nghiệp và quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện và triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm…