Nhịp cầu

Để công tác đầu tư, hỗ trợ đạt hiệu quả

- Thứ Tư, 02/06/2021, 07:33 - Chia sẻ
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 10 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; 25 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 5 huyện: Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Phú Riềng. Những năm qua, việc triển khai công tác hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các ấp đặc biệt khó khăn đã được các cơ quan, địa phương thường xuyên quan tâm.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình là 141.058 triệu đồng thực hiện chung cho các hợp phần: hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2.855 hộ; đầu tư cơ sở hạ tầng được 142 công trình... Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, phục vụ thiết yếu cho người dân; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh.

Đơn cử tại huyện Lộc Ninh, các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn đã huy động được tổng lực các nguồn vốn góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản bộ mặt cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS trong giao thông đi lại, trao đổi hàng hóa, phát triển dịch vụ. Ngày càng có nhiều hộ nông dân người DTTS sản xuất giỏi, có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần giảm nghèo; dân trí vùng đồng bào DTTS được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và phát huy, giao lưu văn hóa trong vùng ngày càng được mở rộng; công tác chăm sóc sức khỏe, y tế dự phòng ngày một được quan tâm, bảo đảm.

Giám sát nội dung này mới đây, bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Phước cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Nguồn lực đầu tư và hỗ trợ vẫn còn hạn chế so với nhu cầu cần hỗ trợ; công tác phối hợp của các đơn vị khi tổ chức triển khai vẫn còn thiếu thống nhất, chưa tốt; công tác đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ triển khai, người dân thụ hưởng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến một số nội dung hỗ trợ hiệu quả chưa cao...

Thực tế trên cho thấy, để công tác đầu tư, hỗ trợ tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn đạt hiệu quả, vấn đề đầu tiên cần được chú trọng là đẩy mạnh và linh hoạt trong công tác tuyên truyền để người dân được thụ hưởng từ các chương trình hỗ trợ thấy được quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình; tiếp đó là nắm vững kiến thức thực hành, áp dụng có hiệu quả, nhất là việc nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các đơn vị để hỗ trợ kịp thời và bảo đảm theo đúng quy định; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

LÊ PHƯỚC