Để có một thế kỷ tự hào
Tháng 1.2012, Đại hội Dân tộc Phi (ANC) kỷ niệm sinh nhật tròn 100 tuổi. Trong một thế kỷ qua, ANC đã lãnh đạo người dân Nam Phi tiến hành thành công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid và trở thành một trong những biểu tượng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không chỉ ở châu Phi mà trên toàn thế giới.
![]() Poster kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Dân tộc Phi (ANC) với chân dung của cựu Tổng thống Nelson Mandela và Thabo Mbeki hôm 8.1.2012 |
Nguồn: Reuters |
Cách đây đúng một thế kỷ, ANC được thành lập với tên ban đầu là Đại hội của người bản xứ Nam Phi. Từ năm 1994 đến nay, ANC trở thành đảng cầm quyền ở Nam Phi trong một thời kỳ mới của đất nước. Trong vai trò của một đảng cầm quyền, ANC đã có nhiều nỗ lực giúp Nam Phi vực dậy nền kinh tế và mang lại bình đẳng cho người dân. Phải thừa nhận những gì Nam Phi có được ngày hôm nay là có phần đóng góp quan trọng của ANC. Là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính đến năm 2010 đạt trên 354 tỷ USD, tương đương 20% GDP của toàn lục địa Đen, Nam Phi chính thức bước vào Nhóm các nền kinh tế đang nổi lên (BRICS) vào tháng 4.2011. Nam Phi đã duy trì được mức tăng trưởng tương đối ổn định trong suốt 18 năm, tầng lớp trung lưu người da đen ngày càng trưởng thành,... Mặc dù chưa sánh được với Trung Quốc hay ẤËn Độ, nhưng việc gia nhập BRICS đã chứng tỏ vị trí, vai trò của Nam Phi ở châu Phi trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
Sự phát triển về mọi phương diện đã giúp Nam Phi trở thành một trong những quốc gia mới nổi có vị thế và ảnh hưởng xứng đáng ở châu Phi và trên thế giới. Tuy nhiên, nước này hiện còn phải giải quyết không ít khó khăn về mặt xã hội cũng như thách thức về nội bộ và đường lối chính sách. Nam Phi vẫn là một trong những nước bất bình đẳng nhất thế giới, nơi tình trạng bạo lực, thất nghiệp và bệnh AIDS diễn ra phổ biến. Mặc dù ANC đã có nhiều nỗ lực cải thiện điều kiện sống cho người dân, nhưng so với nhu cầu thiết yếu về nhà ở, dịch vụ cơ bản của người dân vẫn chưa thấm vào đâu. Tỷ lệ thất nghiệp luôn cao hơn 25%, trong đó thanh niên chiếm gần 60%. ANC không có một chính sách rõ ràng về tạo việc làm như một biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra ngấm ngầm ở Nam Phi. Hai mươi năm sau ngày chủ nghĩa Apartheid chấm dứt, vẫn còn hàng triệu người da đen thiếu ăn, không nơi cư trú, không được hưởng điện nước tối thiểu…. Nền kinh tế vẫn nằm trong sự chi phối của người da trắng, trong khi việc phân phối nguồn tài nguyên không được thực hiện như mong muốn của ANC.
Hiện ANC đang phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng với nhiều căng thẳng nội bộ xuất phát từ những mâu thuẫn hệ tư tưởng, và nhất là việc một bộ phận đảng viên bị dư luận cho rằng chỉ nghĩ tới làm giàu cá nhân thay vì lo cho đời sống của người dân.
Trên trường quốc tế, Nam Phi đang nỗ lực tìm kiếm một vị trí xứng đáng nhưng thực lực chính trị và kinh tế chưa cho phép nước này đạt được mong muốn đó. Năm 2011, Nam Phi tỏ ra do dự trong việc tham gia giải quyết khủng hoảng ở Bờ Biển Ngà và Libya. Tháng 1.2012, khi ANC kỷ niệm tuổi bách niên giai lão, cũng là lúc Nam Phi đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ. Để bước vào “sân chơi của những ông lớn”, Nam Phi phải nỗ lực cân bằng lợi ích quốc gia, khu vực, quốc tế và nhóm BRICS giữa sức ép bên ngoài.
Bất chấp những khó khăn trên, ANC vẫn nhận được sự tin tưởng của một bộ phận lớn dân chúng nhờ di sản của sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid và nỗ lực vực dậy nền kinh tế Nam Phi. Trong các cuộc bầu cử những năm gần đây, một bộ phận lớn cử tri vẫn bỏ phiếu cho ANC với nhiều hy vọng. Nhìn lại lịch sử, ANC có quyền tự hào vì đã đập tan thành lũy cuối cùng của chế độ phân biệt chủng tộc, đóng góp rất quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì bình đẳng và bình quyền, công lý và phát triển, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc và quốc gia trên thế giới. Thế nhưng để có thêm “một thế kỷ tự hào” mới, ANC sẽ phải không ngừng hoàn thiện.