Nhịp cầu

Để chính sách giáo dục được thực thi hiệu quả

- Thứ Hai, 25/11/2019, 08:07 - Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều chế độ, chính sách lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2018 đã được tích cực triển khai thực hiện. Theo đó, tính đến tháng 3.2019, có 541 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 74,6%. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên cơ bản bảo đảm về số lượng. Ngành giáo dục đã thực hiện tốt các chính sách do Trung ương ban hành gồm: Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người... Các chính sách của tỉnh cũng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo còn thực hiện thêm một số chính sách về học sinh dân tộc nội trú như chế độ tàu xe đi về nghỉ tết, quà tết, học phẩm học tập, tiền thưởng, quần áo, khám sức khỏe; chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh được thực hiện tốt, tính từ năm 2016 đến nay đã hỗ trợ cho 10.733 đối tượng với gần 1.400 tấn gạo. Việc thực hiện mô hình thí điểm đào tạo trung cấp nghề cho học sinh THPT bước đầu đạt kết quả khá… Tổng kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2018 là gần 1.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua làm việc với các sở: Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan về nội dung này, bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục như: Việc đánh giá các chế độ, chính sách (lương, chế độ theo lương; vay vốn ưu đãi; đào tạo, tập huấn giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập), xã hội hóa trong các cơ sở giáo dục chưa rõ; công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn; việc đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu chính sách đã ban hành còn chưa được chú trọng. Nhận thức về việc dạy nghề học nghề vẫn còn nhiều hạn chế; công tác tuyển sinh học nghề còn nhiều khó khăn; phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa được triển khai đồng bộ và triệt để; việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người học nghề, thực hiện xã hội hóa trong đào tạo nghề nghiệp còn rất hạn chế...

Như vậy có thể thấy, bên cạnh một số chính sách về lĩnh vực giáo dục đã được triển khai thực hiện khá tốt nhưng vẫn còn một số chính sách chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Vì vậy, thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tiếp tục quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến để việc triển khai thực hiện các chính sách đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá rõ kết quả đạt được của từng chính sách gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành, từ đó có những kiến nghị, đề xuất hiệu quả để kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan để bảo đảm chế độ, chính sách của giáo viên, học viên. Những nội dung Đoàn giám sát nhấn mạnh này cũng chính là mong muốn của đông đảo cử tri, nhất là cử tri ngành giáo dục để thúc đẩy phát triển hơn nữa lĩnh vực luôn được xác định là quốc sách hàng đầu.

Phạm Hải