Để cán bộ, công chức không sách nhiễu

- Thứ Hai, 18/01/2021, 06:59 - Chia sẻ
Nếu cán bộ nào gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh kiên quyết điều chuyển, thay thế dù đó là ai. Nhấn mạnh này của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tại hội nghị chuyên đề “Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương - Chuyển đổi số để bứt phá” do Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 16.1 cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ nói "không" với nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thời gian qua, đã có không ít phản ánh về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức cố tình gây phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Để được “trôi” việc, họ buộc phải bỏ ra những khoản chi phí “bôi trơn”. Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngoài ghi nhận những phản ánh tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp về nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức thì doanh nghiệp phản ánh vẫn còn những khoản chi phí không chính thức. Có tới 53,6% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức. So với 70% doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức vào năm 2006 thì đây là mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thì đây vẫn là con số rất cao và là lý do khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam “vẫn đáng quan ngại”.

Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với băn khoăn, lo lắng của ông Lộc. Bởi khoản chi phí không chính thức cũng chính là hậu quả của “tham nhũng vặt” mà ra, hậu quả của nó không còn là “vặt”, gây ảnh hưởng rất lớn đến tính minh bạch của môi trường kinh doanh, cạnh tranh sòng phẳng của doanh nghiệp. Đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước, đối với đội ngũ cán bộ.

Với quyết tâm xây dựng Chính phủ phục vụ, vì dân, chúng ta đã xử lý không ít cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp. Đơn cử, 10 cán bộ, công chức Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã bị xử lý kỷ luật vì có về hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ. Theo đó, khiển trách đối với 5 trường hợp: 1 Chi cục trưởng, 2 Phó chi cục trưởng, 2 Đội trưởng để làm gương, nghiêm khắc chấn chỉnh trong toàn Cục. Đồng thời, xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 5 trường hợp; tiến hành điều chuyển vị trí công tác đối với cán bộ công chức vi phạm. Việc xử lý kiên quyết các trường hợp này đã có tác dụng răn đe rất lớn.

Để tăng cường xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTG. Chỉ thị nhấn mạnh, cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng, đưa ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước. Không xử lý hành chính mà phải xử lý hình sự nghiêm minh đối với hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, doanh nghiệp đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường hoạt động giám sát trong thực thi công vụ của các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức nhà nước nhằm góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Nói không với phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp là yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là mục tiêu xây dựng một nền hành chính mang tính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Muốn làm được điều này, phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan trong quản lý cán bộ, công chức; xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu. Cùng với đó xử lý nghiêm những cán bộ, công chức vi phạm trong quá trình thi hành công vụ.

Có thể thấy, quy định để xử lý cán bộ, công chức nhũng nhiễu tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp của chúng ta không thiếu. Việc còn lại là thực thi các quy định đó trên thực tế như thế nào. Để ngăn chặn “tham nhũng vặt”, ngoài hành lang pháp lý cụ thể rõ ràng, các thủ tục hành chính minh bạch, rất cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, tránh tình trạng lạm dụng xử lý theo kiểu “rút kinh nghiệm sâu sắc” sẽ làm cho chế tài trách nhiệm trở nên “nhờn thuốc”.

Hà An