Để các quyết sách đi vào cuộc sống

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 07:13 - Chia sẻ
Đánh giá cao sự đồng hành của Quốc hội thông qua việc ban hành các nghị quyết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Đại diện nhiều Hiệp hội doanh nghiệp, luật sư và cử tri... mong các nghị quyết trên được triển khai hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống, phát huy giá trị pháp lý trên thực tế.

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): Hy vọng Quốc hội tiếp tục có những quyết sách kịp thời

Tôi cho rằng các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây như Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 là kịp thời và cần thiết để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Bởi khi cả nước chuyển sang giai đoạn hoạt động bình thường mới thì các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động bình thường trở lại. Đây mới là giai đoạn khó khăn nhất, hàng loạt các vấn đề cần phải giải quyết trong đó quan trọng bậc nhất đó là nguồn vốn sau thời gian dài tạm dừng hoạt động dẫn đến không có doanh thu. Nếu thời gian tới doanh nghiệp và người dân không được giảm thuế, phí sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tôi hy vọng Quốc hội tiếp tục có những chính sách kịp thời để tạo hành lang pháp lý vững chắc, đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan chức năng để có thể hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, cùng sớm vượt qua khó khăn, ổn định phát triển kinh tế vì một mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Cử tri Phạm Văn Chung (Kon Tum): Niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp

Có thể khẳng định rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời có những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt và chưa từng có tiền lệ, đồng hành cùng Chính phủ để hỗ người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 nhằm tiếp tục giãn, giảm một số loại thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Theo đó, Nghị quyết đã lựa chọn các đối tượng, lĩnh vực hỗ trợ rất kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm để mang lại hiệu quả cao nhất, chẳng hạn: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Chính điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức triển khai.

Những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã mang lại niềm tin rất lớn cho người dân nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, thương nhân nói riêng. Vấn đề còn lại hiện nay là việc triển khai của các cấp, các ngành phải rất kịp thời, linh hoạt, đúng đối tượng và triển khai hiệu quả.

Cử tri Bùi Danh Liên (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội): Quốc hội lắng nghe, uyển chuyển, linh hoạt

Tôi rất đồng tình và hoan nghênh về một Quốc hội đã biết lắng nghe và đã uyển chuyển, linh hoạt để kịp thời ra các quyết sách đúng đắn.

Tuy nhiên, có một thực tế là tinh thần của các nghị quyết rất trúng, đúng, kịp thời, nhưng khi đi vào cuộc sống lại chưa sát. Một trong những nguyên nhân là do chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát khi thực hiện ở địa phương; vướng mắc nữa còn do có địa phương chưa nắm bắt kịp thời các văn bản nên việc thực hiện chưa đầy đủ, còn lúng túng.

Tôi nghĩ, để các nghị quyết được triển khai thực chất hơn khi cả nước đang bước vào giai đoạn bình thường mới, thì việc làm thế nào để thu hút, giữ chân người lao động là vấn đề đặt ra. Nên chăng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có những chính sách kịp thời trong việc tiếp tục xây dựng các chính sách ưu tiên, dành quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, việc đưa ra gói hỗ trợ là cần thiết, xong chính sách hỗ trợ cũng cần dài hơi để bảo đảm ít nhất cuộc sống cho công nhân, người lao động một thời gian để họ có thể yên tâm làm việc.

Đại diện Công ty TNHH sản xuất Quảng cáo và Thương mại Kim Tưởng Đỗ Hồng (Quận 12, TP. Hồ Chí Minh): Các quyết sách kịp thời

Sau thời gian dài ứng phó với đại dịch Covid-19, đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Kết quả này cho thấy những quyết sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đưa ra rất kịp thời. Cụ thể, qua theo dõi các phương tiện thông tin chúng tôi được biết, trước Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Điều này cho thấy, sự đồng hành sát sao của Quốc hội cùng Chính phủ đã tạo dấu ấn sâu đậm về một Quốc hội chủ động thích ứng, linh hoạt, hiệu quả. Tuy nhiên, là một trong những doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy rằng, dịch bệnh khiến các doanh nghiệp không chỉ rơi vào cảnh khó khăn, mà còn điêu đứng. Doanh nghiệp của tôi hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị quảng cáo với khoảng 30 lao động, do dịch bệnh nên phải nghỉ việc, khách hàng không thanh toán, trong khi đó hàng tháng vẫn phải hỗ trợ lương để giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, hàng nhập khẩu về cảng trong thời gian giãn cách nên hải quan không làm việc khiến hàng phải lưu kho ở cảng, phí tính theo ngày dẫn đến phí chồng phí.

Doanh nghiệp chúng tôi cũng hiểu rằng, trong dịch bệnh thì tất cả đều gặp khó khăn, Nhà nước cũng đã nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Nhưng để vực lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể, sát thực tiễn hơn nữa như giãn nợ, miễn thuế, hỗ trợ tiền bảo hiểm cho doanh nghiệp để cùng vực dậy và phát triển.

Song Hương ghi