Bắt đầu bằng việc vệ sinh buổi sáng trước 4 giờ sáng, anh Ashton Hall, một người Mỹ có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực thể hình sau đó bắt đầu loạt hoạt động chào ngày mới đã được “lập trình” sẵn: bơi lội, thiền, chà vỏ chuối lên da, nâng tạ, ngâm mặt vào nước đá, viết nhật ký… trước khi ăn sáng vào khoảng 9 giờ 30 phút.

Video về chuỗi hoạt động kéo dài tới gần 6 tiếng mỗi buổi sáng của nhân vật có ảnh hưởng trong giới thể hình Mỹ đã thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội, khơi mào cuộc thảo luận về cách mỗi người có thể bắt đầu một ngày mới.
Vậy bao nhiêu thời gian, bao nhiêu hoạt động là đủ? Nhà tâm lý trị liệu Kamalyn Kaur tại Cheshire ở Anh cho biết, mỗi người không nhất thiết phải bắt đầu ngày mới với hàng chục hoạt động, nhưng có thể thử bắt đầu thiết lập một vài hoạt động nhỏ một cách có hệ thống. Việc bạn chào buổi sáng một cách thư giãn sẽ giúp bạn có năng lượng và tâm trạng tốt hơn trong cả ngày.
“Cách bạn bắt đầu ngày mới sẽ quyết định “tiết tấu” cho cả ngày dài. Nếu bạn thiết lập những thói quen hàng ngày, bắt đầu ngày mới một cách có kỷ luật như vậy, dần dần bạn sẽ cảm thấy nhiều năng lượng hơn cho tới tận cuối ngày.”
Tại sao nên thiết lập thói quen buổi sáng?
Là giáo sư tâm lý học tại Đại học Oklahoma, ông Shawn McClean đã dành nhiều năm nghiên cứu về cách một người có thể bị tác động bởi những khía cạnh khác trong cuộc sống.
Ông cho biết, việc một cá nhân hoàn thành các hoạt động theo cùng một thứ tự vào mỗi buổi sáng rất hữu ích, vì thực tế con người có sự hạn chế về khả năng tập trung trước khi được nạp năng lượng (ăn sáng) vào mỗi sáng. Bộ não sẽ vô thức dành năng lượng cho những công việc đòi hỏi tư duy cao, việc thiết lập các thói quen buổi sáng là hành động đơn giản giúp đánh thức não bộ.
Nghiên cứu của giáo sư Shawn McClean đã phát hiện ra rằng, một người sẽ nhiều năng lượng hơn, làm việc tốt hơn và bình tĩnh hơn trong suốt cả ngày, khi họ hoàn thành các thói quen buổi sáng của mình mà không bị gián đoạn. Ngược lại, những người bị gián đoạn hoạt động buổi sáng lại bị suy giảm tinh thần cao hơn vào cuối ngày.
Thói quen nào “tốt”?
Theo các chuyên gia, thật khó để định nghĩa thế nào là thói quen tốt, và không có thói quen nào là tốt nhất cho tất cả mọi người.
“Nó sẽ mang tính cá nhân đối với mỗi người. Đó là điều giúp họ duy trì thực hiện mỗi ngày. Nhưng cũng sẽ có những thói quen không tốt”, giáo sư McLean cho biết.

Nhà tâm lý trị liệu Kaur thông tin thêm, việc thức dậy vội vã vào buổi sáng để tắm gội, ăn sáng và ra khỏi nhà đúng giờ là một ví dụ về thói quen có hại. Theo đó, việc một người luôn trong trạng thái căng thẳng, vội vàng vào buổi sáng thì sẽ sản sinh thêm cortisol, một loại hormone cần thiết giúp điều chỉnh nhịp sinh học. Cortisol “đánh thức” cơ thể và khiến bạn tỉnh táo vào buổi sáng, tuy nhiên quá nhiều cortisol trong máu sẽ gây ra cảm giác bồn chồn và lo lắng, tương tự như khi uống cà phê lúc đói bụng.
Bạn nên bắt đầu từ đâu?
Theo các chuyên gia, những người thường có buổi sáng vội vàng bận rộn nên cân nhắc đặt báo thức sớm hơn 30 phút và không ngủ thêm. Việc tắt đi bật lại báo thức khiến giấc ngủ bị gián đoạn, có thể khiến bạn uể oải hơn.
Nhà tâm lý trị liệu Kaur khuyến nghị, mỗi người nên duy trì thói quen với ít nhất 2 hoặc 3 hoạt động vào buổi sáng. Đây là những hoạt động đã được chứng minh là giúp cải thiện tâm trạng:
- Hãy bắt đầu bằng việc dọn giường. Nghiên cứu cho thấy sự lộn xộn gây ra lo lắng, và việc gấp chăn gối - hoàn thành một nhiệm vụ ngay từ sáng sớm - thúc đẩy việc tiết ra hormone dopamine, tạo cảm giác dễ chịu.
- Tiếp theo, hãy uống một cốc nước. Nếu bạn ngủ đủ giấc cả đêm, bạn có thể sẽ bị mất nước nhẹ sau 8 tiếng. Hãy thử trì hoãn việc uống caffeine cho đến lúc sau ăn sáng để tránh bị bồn chồn.
- Trong giờ đầu tiên sau khi thức dậy, hãy cố gắng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Tốt nhất là đi bộ nhanh. Ánh sáng buổi sáng là một yếu tố kích hoạt nhịp sinh học, thúc đẩy sự tỉnh táo ngay từ sáng sớm.
“Những thói quen này rất quan trọng. Nó mang lại cho bạn cơ hội và điều kiện tốt nhất để hoạt động và làm việc năng lượng hơn trong suốt cả ngày”, nhà tâm lý trị liệu Kaur kết luận.