Đề án đào tạo đại học theo Chương trình tiên tiến: Bộc lộ nhiều khó khăn

Quang Vũ 23/10/2010 00:00

Bộ GD - ĐT vừa tổ chức hội nghị sơ kết triển khai Đề án đào tạo đại học theo Chương trình tiên tiến (CTTT). Khó khăn bộc lộ ngày càng nhiều sau 5 năm thực hiện Đề án.

Đề án đào tạo đại học theo Chương trình tiên tiến: Bộc lộ nhiều khó khăn ảnh 1

Chưa hấp dẫn

Theo đánh giá của Bộ GD – ĐT, việc triển khai các CTTT đã tạo ra sự thay đổi về chất lượng đào tạo. Chất lượng sinh viên CTTT cao hơn so với các sinh viên thường. Nhiều sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ học bổng ngay trong quá trình học tập. Gần như 100% sinh viên theo học CTTT có việc làm sau khi tốt nghiệp và được cơ quan sử dụng lao động đánh giá tốt. Tuy nhiên, qua 5 năm tuyển sinh theo CTTT, số lượng sinh viên theo học cứ giảm dần và thực trạng này phổ biến ở tất cả các trường đại học có đào tạo CTTT. Đặc biệt một số CTTT không tuyển đủ chỉ tiêu dù luôn có chính sách ưu đãi, thu hút. Đơn cử như ĐH Sư phạm (ĐH Huế) được Bộ GD – ĐT giao đào tạo chương trình tiên tiến ngành Vật lý với chỉ tiêu tuyển 30 sinh viên mỗi khóa nhưng chưa năm nào đạt. Thậm chí, lượng sinh viên giảm dần đều qua các năm. Cụ thể, khóa đầu tiên có 25 sinh viên, khóa thứ hai tuyển được 21 sinh viên, khóa thứ ba được 22 sinh viên, khóa thứ tư tuyển được 7 sinh viên. Trưởng ban điều hành CTTT của trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) Tôn Thất Dụng cho rằng, nhiều sinh viên thi vào sư phạm để không phải đóng học phí nên sẽ rất băn khoăn với mức học phí rất cao của các CTTT; bên cạnh đó sinh viên chưa rõ mục tiêu của CTTT và sợ học xong không xin được việc.

Là đơn vị thành công nhất về triển khai CTTT, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng rất khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào. Theo Hiệu trưởng Bùi Duy Cam, chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nên ngoại ngữ trở thành rào cản lớn nhất. Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Cảnh Lương nêu thêm một lý do: sinh viên không thích các ngành khoa học cơ bản, ngay ngành Khoa học vật liệu, trường chỉ thu học phí như đào tạo bình thường vẫn không tuyển đủ sinh viên. PGS Nguyễn Hữu Phúc ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho biết, học phí hiện nay của CTTT của trường này từ 1.500 - 2.000 USD/năm. Với gia đình khá giả, mức học phí này không là vấn đề, nhưng nhiều sinh viên giỏi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không thể tham gia vào CTTT. Chưa tìm được những sinh viên giỏi nhất vào CTTT cũng là một trong những thực tế Đề án CTTT đang phải đối mặt.

Tồn tại hay không tồn tại?

* Hiện cả nước có 23 trường ĐH hợp tác với 22 trường ĐH trên thế giới triển khai 35 CTTT; trong đó có 20 chương trình thuộc khối ngành kỹ thuật, công nghệ; 5 chương trình thuộc khối ngành kinh tế; 1 chương trình thuộc khối ngành khoa học sức khỏe; 6 chương trình thuộc khối khoa học tự nhiên và môi trường; 3 chương trình thuộc khối nông nghiệp. Hầu hết các trường đối tác nước ngoài được xếp hạng trong top 200 theo bảng xếp hạng của US News.

* Tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các CTTT là 860 tỷ đồng. Mỗi CTTT được cấp kinh phí cho ba khóa đào tạo đầu tiên theo nguyên tắc: ngân sách nhà nước chiếm 60%, nhà trường chịu trách nhiệm 25% và học phí do sinh viên đóng góp chiếm 15%.

Bên cạnh vấn đề học phí, các đại biểu cũng băn khoăn về việc các trường không đủ kinh phí để mời các giảng viên ngoại có trình độ. Tại hội nghị sơ kết, vấn đề tồn tại hay không tồn tại của CTTT được các trường rất quan tâm. Bởi theo lộ trình, thời gian qua ngân sách đang gánh chi phí CTTT, nhưng từ 2010, bầu sữa này sẽ giảm dần; nhà nước chỉ đảm bảo cho CTTT những mục cơ bản như làm sách, xây dựng chương trình, đào tạo cán bộ.

Để triển khai đào tạo theo CTTT, các trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đối tác về xây dựng chương trình đào tạo, cho phép sử dụng giáo trình gốc, tư vấn xây dựng phòng thí nghiệm, cử giảng viên tham gia giảng dạy và hỗ trợ nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, giảng viên trong quá trình đào tạo, việc kiểm định chất lượng, giám sát đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp... Nhưng các trường cho rằng  khó đảm bảo 100% các môn học do giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy như mục tiêu của CTTT. Hiện số giảng viên ngoại có trình độ được các trường mời dạy bình quân chỉ đạt dưới 50% so với kế hoạch; thậm chí có trường chỉ mời giảng dạy được 30 – 40% chương trình, mà một phần nguyên nhân là do trường đối tác đòi hỏi kinh phí quá cao, vượt khả năng chi trả của trường. Phó hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp I Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, mời thầy ngoại vào dạy cần từ 10 - 15 ngàn USD, chương trình không đủ khả năng. Ở ĐH Khoa học (ĐH Đà Nẵng), chi phí cho 1 giáo sư nước ngoài sang giảng dạy mỗi đợt vào khoảng 120 - 180 triệu đồng. Cụ thể hơn, ông Đỗ Văn Xê, ĐH Cần Thơ cho biết, ngoài việc lo toàn bộ chi phí đi lại ăn ở, trường phải trả cho giáo viên thỉnh giảng 40 USD mỗi ngày và 40 USD mỗi giờ dạy. Trong số các trường tham gia Đề án CTTT, duy nhất ĐH Ngoại thương tự nuôi được CTTT nhờ cân đối học phí.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thực hiện CTTT là đem mô hình đào tạo nước ngoài vào từng trường để quan sát, học hỏi. Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh Bộ quyết tâm nhân rộng chương trình ra các ngành và các trường khác. Tuy nhiên, việc trước tiên là Bộ GD - ĐT phải xử lý được những khó khăn đã nhắc tới ở trên.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đề án đào tạo đại học theo Chương trình tiên tiến: Bộc lộ nhiều khó khăn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO