Khoản 5, điều 2 dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 33 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) quy định trách nhiệm của cơ sở lưu trú yêu cầu người nước ngoài khai báo tạm trú và thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài khi nghỉ tại các cơ sở lưu trú và quy định trách nhiệm của người nước ngoài cung cấp thông tin hộ chiếu, giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định khai báo tạm trú sẽ phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong công tác quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo công khai minh bạch trong quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài.
Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương còn trường hợp người nước ngoài không nghỉ tại các cơ sở lưu trú cụ thể mà nghỉ tại các nơi công cộng (ngủ lều, bạt, hoặc hang động). Trong trường hợp này việc thực hiện khai báo tạm trú đối với người nước ngoài thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào? Trong khi dự thảo Luật đang sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (quy định tại khoản 2, điều 2 dự thảo Luật) với quy định này dự báo lượng người nước ngoài sẽ tăng, đặc biệt là số người nhập cảnh bằng thị thực điện tử (không có cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh).
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo có quy định cụ thể về khai báo tạm trú đối với việc người nước ngoài ngủ, nghỉ tại các nơi công cộng tránh trường hợp bỏ sót, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đặc biệt là các trường hợp là tội phạm quốc tế, truy nã của các nước... góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tại khoản 5, điều 2 dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Điều 33 về khai báo tạm trú và khoản 8, điều 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, Điều 45a về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Cho rằng, nếu chỉ Công an cấp xã mới có thẩm quyền tiếp nhận khai báo tạm trú, tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài. Quy định như vậy tức là chỉ có công an cấp xã mới có thẩm quyền tiếp nhận khai báo tạm trú, tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài. Quy định này chưa đáp ứng với các chính sách đã có, chưa đồng bộ với các điều ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của lực lượng bộ đội biên phòng trong quản lý cư trú người nước ngoài tại khu vực biên giới, hải đảo theo các Điều ước quốc tế với các nước có chung đường biên giới đã ký kết, và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (cụ thể tại khoản 2, Điều 13 Luật Biên phòng Việt Nam; Điều 27 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới; điểm a khoản 2 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự).
Thực tiễn hiện nay, trên tuyến biên giới Việt Nam có tới 433 Đồn Biên phòng, đây là nguồn lực rất lớn trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo. Thời gian qua, Bộ đội biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an cấp xã, huyện khu vực biên giới trong công tác quản lý người nước ngoài rất hiệu quả. Do đó, lực lượng bộ đội biên phòng cũng phải có trách nhiệm trong quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Từ phân tích này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ "hoặc đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu nơi gần nhất " sau cụm từ "đồn, trạm công an" tại khoản 5, khoản 8 điều 2 dự thảo Luật để đảm bảo tính tương thích với Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới, phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hiện hành, tránh tình trạng sửa Luật này xong lại phải sửa đổi nhiều luật khác.