Chính trị

ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa): Xem xét bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án hóa chất đối với người lao động

Đào Cảnh 08/05/2025 14:58

Góp ý về Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) sáng 8/5, ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, cần xem xét bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án hóa chất đối với người lao động và bảo đảm an toàn trong sản xuất, vận chuyển, sử dụng hóa chất

202505080925186314_z6579640713186_0fe374df8f629287e9f54d9166aa88a8.jpg
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận sáng 8/5

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, Luật Hóa chất được ban hành năm 2007 là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất an toàn, bền vững và phù hợp với thông lệ. Trước sự phát triển của ngành hóa chất, sự thay đổi của khoa học - công nghệ, cũng như yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường và an toàn lao động, việc sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất là điều cần thiết để đáp ứng thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý. Nội dung dự thảo lần này cho thấy, Luật Hóa chất (sửa đổi) đã được dự thảo rất công phu, toàn diện, qua nhiều lần bổ sung chỉnh sửa đến nay cơ bản đã được hoàn thiện và là một bước tiến trong việc xác lập cơ sở pháp lý cho các hoạt động hóa chất ở Việt Nam trong điều kiện mới.

Góp ý vào Điều 4 của dự thảo Luật, đại biểu Sơn cho rằng, bên cạnh trách nhiệm quản lý Nhà nước về hóa chất, cần có nội dung trách nhiệm của các đoàn thể trong phát hiện, phối hợp, xử lý vi phạm về an toàn hóa chất, quy chế phối hợp các cấp, các ngành trong xử lý tình huống nguy cấp về hóa chất; nghiên cứu bổ sung quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất lớn phải có hệ thống xử lý chất thải hóa chất; phải bảo đảm an toàn hệ sinh thái khi đầu tư các hoạt động liên quan hóa chất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra sự cố hóa chất; quy định cụ thể lực lượng ứng phó với sự cố tại cơ sở hóa chất.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cần xem xét, nghiên cứu bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án hóa chất đối với người lao động và bảo đảm an toàn trong sản xuất, vận chuyển, sử dụng hóa chất (khoản 2 Điều 7); cần làm rõ các loại hóa chất xử lý tập trung, quy định cụ thể các loại hóa chất độc hại, tiêu chí phòng ngừa sự cố hóa chất; đặt ra tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường hậu kiểm, hạn chế tiền kiểm trong lĩnh vực hóa chất.

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 11 của Dự thảo Luật cần xem xét quy định chi tiết hơn nội dung “hóa chất có khả năng gây hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, sinh vật, tài sản và môi trường” trong quy định về “Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt”. Bất kỳ các loại hóa chất nào cũng có “khả năng gây hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, sinh vật, tài sản và môi trường” nếu người sử dụng sử dụng sai mục đích, liều lượng và không có biện pháp quản lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tồn trữ. Vì vậy, nên xem xét bổ sung nội dung “hóa chất là tiền chất công nghiệp, hóa chất gây hại đến sức khỏe với số lượng cực nhỏ, hóa chất là khí độc có khả năng phát tán lớn…”.

Hiện nay, pháp luật về xây dựng đã có quy định cụ thể về khảo sát địa chất, địa hình đối với địa điểm xây dựng công trình trong quá trình thiết kế xây dựng dự án (trong đó, đã bao gồm dự án hóa chất). Tuy nhiên, quy định mang tính chất chung. Để bảo đảm tính thống nhất, cụ thể trong Luật chuyên ngành, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng, việc lựa chọn địa điểm xây dựng dự án hóa chất, đặc biệt là hóa chất nguy hiểm cần phải cân nhắc đến địa hình, địa chất của nơi xây dựng dự án, tránh rủi ro khi xây dựng trên những nơi có nền địa chất thiếu ổn định dẫn đến nguy cơ về mất an toàn hóa chất, do đó cần nghiên cứu quy định về nội dung này đối với trách nhiệm của chủ đầu tư dự án hóa chất tại Khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật.

Liên quan đến quy định tại Điều 35 “Đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất, tại “khoản 2: Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có trình độ phù hợp”, đại biểu Sơn lý giải, thực tế hiện nay ở nhiều cơ sở hoạt động hóa chất, người chịu trách nhiệm về an toàn hóa chất thường không có đủ quyền hạn khi xử lý, phạt, yêu cầu sửa đổi, thậm chí dừng sản xuất khi phát hiện vi phạm trong an toàn quá trình sản xuất. Điều này đặc biệt cần khi xử lý tình huống phát hiện mất an toàn quá trình có nguy cơ xảy ra sự cố khẩn cấp cần có quyết định ngay, không thể đợi báo cáo xin ý kiến lâu hơn. Do vậy, cần xem xét bổ sung “Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có quyền hạn và trình độ phù hợp”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa): Xem xét bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án hóa chất đối với người lao động
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO