Quốc hội và Cử tri

ĐBQH Trịnh Minh Bình ( Vĩnh Long):Cần chế tài mạnh để dẹp nạn hàng giả, bảo vệ sức khỏe và niềm tin của nhân dân

Hải Thanh - Lê Nguyên 20/05/2025 17:26

Chiều 20/5, thảo luận tại Tổ 11 về Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đã đặt vấn đề về hiệu quả của các chế tài xử lý tội phạm hàng giả. Đại biểu cho rằng, trước tình trạng thực phẩm bẩn, thuốc giả tràn lan gây hoang mang dư luận, cần có những giải pháp mạnh tay hơn, không chỉ dừng ở việc tăng mức phạt, mà còn phải kết hợp nhiều biện pháp khác để bảo vệ sức khỏe và niềm tin của cộng đồng.

Bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cho rằng, nội dung dự thảo Luật cơ bản bám sát, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Đi sâu vào một số điều khoản cụ thể, đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nghị quyết của Đảng ban hành trong thời gian gần đây như Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW… để thể chế hóa ngay trong Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

4(1).jpg
ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lê Nguyên

Cụ thể, góp ý vào Khoản 1, Điều 192 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về việc nâng mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả lên từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm, ĐBQH Trịnh Minh Bình bày tỏ sự băn khoăn với quy định về mức phạt này. Đại biểu cho rằng: trước thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi và gây hậu quả nghiêm trọng, mức phạt này vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe.

Theo đại biểu, trong nền kinh tế thị trường, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững. Thế nhưng, tình trạng buôn bán hàng gian, hàng giả vẫn diễn ra phổ biến, tinh vi và ngày càng phức tạp. Gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn”, thực phẩm giả, kém chất lượng quy mô lớn, lên đến hàng trăm tấn ở nhiều địa phương. Điều này gây hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hậu quả của hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ dừng lại ở sức khỏe người tiêu dùng, nó còn gây thất thu thuế cho nhà nước, làm suy yếu môi trường cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị thiệt hại nặng nề về uy tín, doanh thu và phải tăng chi phí để bảo vệ thương hiệu.

Hơn nữa, hàng kém chất lượng nhanh chóng bị thải bỏ, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí còn xuất hiện những hành vi tẩu tán tang vật để tránh bị xử lý. Theo đó, với mức phạt hành chính tối đa như trong quy định của luật hiện hành là 200 triệu đồng và mức phạt dự kiến 200 triệu đến 2 tỷ đồng theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ không tương xứng với những giá trị hàng hóa vi phạm với số lượng lớn. "Các tổ chức kinh doanh lớn có thể dễ dàng chấp nhận mức phạt này để tiếp tục hoạt động, khó khắc phục hậu quả cho người tiêu dùng và không thể giải quyết được vấn nạn hàng gian, hàng giả như hiện nay”, ĐBQH Trịnh Minh Bình nhấn mạnh.

Để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và giữ gìn uy tín hàng hóa Việt Nam, đại biểu đề xuất: cần xây dựng hệ thống chế tài mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn, kết hợp giữa xử phạt tài chính, xử lý hình sự và các biện pháp bổ sung khác để bảo đảm tính nghiêm minh, răn đe.

Cụ thể, đại biểu đề xuất, nên xử phạt theo tỷ lệ giá trị hàng hóa vi phạm, thay vì áp dụng mức tiền cố định. Cùng với đó, tăng mạnh chế tài xử lý hình sự, mở rộng phạm vi truy cứu: Với hành vi tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức, gây thiệt hại lớn, cần truy cứu hình sự mạnh mẽ thay vì chỉ phạt hành chính. Thậm chí, cần hình sự hóa thêm nhiều hành vi nhẹ hơn nếu tái phạm nhiều lần để ngăn chặn từ đầu. Hay như dùng biện pháp bổ sung ngoài tiền phạt: Tịch thu toàn bộ tài sản dùng cho việc sản xuất hàng giả; đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp vi phạm; buộc bồi thường cho người tiêu dùng bị thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài chính.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần công bố công khai trên phương tiện truyền thông tên tuổi, địa chỉ cá nhân, tổ chức vi phạm. Đây là biện pháp xử lý bằng dư luận, làm tổn hại uy tín, có tác dụng răn đe. “Chúng ta cũng có thể nâng cao mức phạt lũy tiến và cấm hành nghề nếu tái phạm nếu vi phạm lần 2, lần 3, mức phạt cần tăng gấp đôi, gấp 3 lần, thậm chí cấm vĩnh viễn hoạt động trong ngành nghề đó”- ĐBQH Trịnh Minh Bình nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        ĐBQH Trịnh Minh Bình ( Vĩnh Long): Cần chế tài mạnh để dẹp nạn hàng giả, bảo vệ sức khỏe và niềm tin của nhân dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO