ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) Hoàn thiện quy định chuyển tiếp trong tổ chức Tòa án
Sáng 19/5, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) nhấn mạnh: Việc tổ chức lại hệ thống tòa án theo mô hình ba cấp đòi hỏi các quy định chuyển tiếp phải thật chặt chẽ, rõ ràng, đồng bộ với các luật tố tụng và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm tính khả thi.
Làm rõ thẩm quyền và phạm vi áp dụng luật
Góp ý một số nội dung còn bất cập trong quy định tại Điều 2 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành luật này cùng các luật tố tụng khác, đại biểu Trần Nhật Minh nêu rõ: Tại khoản 4 Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước – điểm a sửa đổi khoản 4 Điều 36, có bổ sung một số trường hợp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại các điểm d, đ, e.
Đồng tình với các nội dung bổ sung của dự thảo luật, tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp, các trường hợp này đều là quyết định hủy của Tòa án nhân dân cấp cao. Nhưng theo dự thảo luật, Tòa án nhân dân cấp cao không còn là một cấp trong cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án nhân dân, nên quy định này chỉ mang ý nghĩa để giải quyết các trường hợp chuyển giao nhiệm vụ trong quá trình tổ chức lại hệ thống theo mô hình ba cấp, từ khi Tòa án nhân dân cấp cao kết thúc hoạt động.

“Đây không phải là những nội dung mới, mà là các quy định mang tính chất chuyển tiếp giữa luật hiện hành và luật sửa đổi, bổ sung. Do đó, cơ quan chủ trì thẩm tra cần nghiên cứu chuyển các trường hợp nêu tại điểm d, đ, e khoản 4 Điều 36 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 2 sang quy định tại Nghị quyết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các luật tố tụng và luật khác có liên quan”, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị.
Dẫn các quy định tại khoản 6 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại:
a) Sửa đổi khoản 2 Điều 64: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân địa phương định kỳ thông báo với UBND có thẩm quyền về công tác giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức mình.
b) Sửa đổi khoản 3 Điều 65: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân địa phương định kỳ báo cáo với UBND và thông báo đến Ủy ban MTTQ Việt Nam có thẩm quyền về tình hình khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính và công tác xét xử vụ án hành chính trong địa phương.
Tại khoản 7 sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo: b) Sửa đổi khoản 2 Điều 60: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, khu vực hằng năm gửi báo cáo về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý đến UBND có thẩm quyền để tổng hợp, báo cáo HĐND.
ĐBQH Trần Nhật Minh cho rằng, các quy định còn sử dụng thuật ngữ chung chung như “UBND”, “Ủy ban MTTQ Việt Nam”, “HĐND có thẩm quyền” mà chưa quy định rõ cấp tỉnh, huyện hay xã nào sẽ là nơi nhận báo cáo, thông báo. Đồng thời, nội dung chưa thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
“Như vậy, nếu không có quy định cụ thể trong luật thì sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ gửi thông báo hoặc báo cáo của Tòa án nhân dân khu vực cho UBND, HĐND cấp nào, cũng như việc gửi thông báo đến Ủy ban MTTQ Việt Nam có thẩm quyền”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Trần Nhật Minh, trong dự thảo luật vẫn dùng chung khái niệm “Tòa án nhân dân địa phương”, “Viện kiểm sát nhân dân địa phương”, trong khi thực tế việc kiểm tra, giám sát đối với Tòa án nhân dân khu vực là chưa phù hợp với cơ cấu tổ chức mới. Việc quy định “trong phạm vi địa phương mình” cũng chưa rõ, bởi tòa án khu vực sẽ không biết phải báo cáo cho tất cả xã, phường trong phạm vi xét xử hay chỉ đơn vị nơi đặt trụ sở.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa lại quy định cho phù hợp, chuyển trách nhiệm gửi báo cáo từ “UBND” sang “Chủ tịch UBND” để bảo đảm thống nhất với luật hiện hành.
Tránh dồn án lên Tòa án tối cao sau chuyển cấp
Về dự thảo Nghị quyết thi hành luật, ĐBQH Trần Nhật Minh bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành và các nội dung đã nêu. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 về việc chuyển tiếp các vụ án hành chính, dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực nhưng hiện do Tòa án nhân dân cấp tỉnh đang giải quyết. Khi luật có hiệu lực mà các vụ này chưa giải quyết xong, sẽ phát sinh vướng mắc.

“Qua tìm hiểu tại các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương, hiện các tòa án cấp tỉnh đã thụ lý một lượng lớn các vụ án dân sự. Theo báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến ĐBQH của Tòa án nhân dân tối cao, trong giai đoạn chuyển tiếp khi thực hiện mô hình ba cấp, Tòa phúc thẩm sẽ giải quyết thêm khoảng 5.000 vụ việc hành chính, dân sự, lao động, phá sản – vốn trước đây thuộc thẩm quyền tòa án cấp tỉnh. Như vậy, tổng số lượng án phúc thẩm rất lớn sẽ dồn lên Tòa án nhân dân tối cao sau khi luật này có hiệu lực, gây ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quan trọng khác của Tòa án nhân dân tối cao – cơ quan xét xử cao nhất”, đại biểu Trần Nhật Minh phân tích.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, thống kê đối với số lượng án hành chính, dân sự mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý theo thẩm quyền sơ thẩm nhưng đến thời điểm các luật có liên quan có hiệu lực vẫn chưa giải quyết xong. Trên cơ sở đó, cần có quy định chuyển tiếp cho phù hợp theo từng giai đoạn và đúng thủ tục tố tụng.
Cụ thể, nên nghiên cứu theo hướng: đối với các vụ việc đã đến giai đoạn đối thoại và chuẩn bị xét xử thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp tục giải quyết; còn các vụ việc mới ở giai đoạn khởi kiện và thụ lý thì chuyển cho Tòa án nhân dân khu vực thụ lý lại.
Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định xử lý đối với các vụ án mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý nhưng sau đó phải ra quyết định tạm đình chỉ do các luật mới chưa có hiệu lực. Bởi pháp luật tố tụng dân sự, hành chính hiện nay không quy định thời hạn tạm đình chỉ, có thể dẫn đến kéo dài thời gian chuyển tiếp. Vì vậy, cần có quy định cụ thể để bảo đảm không làm chậm trễ việc giải quyết vụ án trong thời gian chờ luật có hiệu lực.