ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam): Đề nghị quản lý chặt cả 3 khâu: xuất bản, in và phát hành
Điều 6, quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, dự thảo Luật giao Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản trong phạm vi cả nước.

Tại Điều 7, dự thảo Luật quy định Nhà nước có chiến lược quy hoạch phát triển mạng lưới các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm hỗ trợ và có nhiều ưu đãi với lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm. Như vậy, Nhà nước chỉ quản lý chặt phần xuất bản, còn lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm lại buông lỏng?
Trong thời gian qua, sách lậu, sách giả bán tràn lan trên thị trường nếu có quản lý chặt cơ sở in, gồm cả nhà xuất bản và lĩnh vực phát hành thì rất khó chấm dứt được tình trạng trên mặc dù quản lý rất chặt chẽ nhà xuất bản. Hiện nay cả nước có trên 1.500 cơ sở in công nghiệp, trong đó chỉ có hơn 400 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm và chịu sự chi phối điều chỉnh của Luật Xuất bản hiện nay. Còn lại khoảng 1.100 cơ sở chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là được hoạt động in các sản phẩm in khác không phải là xuất bản phẩm; các cơ sở này không chịu sự quản lý hoạt động của chuyên ngành in. Đây có thể là những đầu mối tiếp tay cho hoạt động in sách lậu tràn lan trong thời gian vừa qua và cơ quan quản lý không nắm được và không quản lý được. Do vậy, tôi đề nghị phải quản lý chặt cả 3 khâu: xuất bản, in và phát hành. Trong dự án Luật này mới chỉ đề cao phần quản lý của xuất bản và liên kết xuất bản.
Để kiểm soát chặt chẽ nội dung các xuất bản phẩm, tài liệu xuất bản, đề nghị đề cao trách nhiệm và quyền hạn của tổng giám đốc, giám đốc nhà xuất bản, tổng biên tập nhà xuất bản và đội ngũ biên tập viên. Đây là những đối tượng rất quan trọng kiểm soát trên mặt trận tư tưởng; đồng thời là những người chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm. Tôi đề nghị cần đề cao trách nhiệm và đồng thời tăng quyền hành cho họ. Đặt tiêu chuẩn của tổng giám đốc, giám đốc, tổng biên tập, ngoài những tiêu chí đã ghi trong dự thảo Luật tại Điều 17, cần bổ sung tiêu chuẩn và trình độ chính trị.