ĐBQH Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội): Chính sách hỗ trợ phải cụ thể, rõ đối tượng
Cần có các chính sách rất cụ thể, rõ đối tượng, rõ mức hỗ trợ, rõ nguồn tài chính... Vì từ trước tới nay, cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc áp dụng vào thực tiễn vẫn còn chưa được như mong muốn hoặc thực hiện chưa thực sự đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.
Đây là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội), tại phiên thảo luận ở Tổ 1, chiều nay, 15/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Cần có những dự án đặt hàng để hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tại thảo luận tổ, ĐBQH Nguyễn Thị Lan thể hiện sự đồng tình cao với dự thảo nghị quyết Quốc hội về việc ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, các nội dung của Nghị quyết đã thể hiện rõ tinh thần thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, trong đó nêu ra nhiều chính sách rất đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như đổi mới về thể chế, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, hỗ trợ cho khoa học chuyên sâu, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế... "Đây là động lực cho toàn dân phấn khởi tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh và đổi mới công nghệ, dám dấn thân và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Để Nghị quyết có thể đi ngay vào cuộc sống, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng cần phải cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ này như thế nào cho hiệu quả. Đồng thời, cần phải có các chính sách rất cụ thể, rõ đối tượng, rõ mức hỗ trợ, rõ nguồn tài chính... vì từ trước tới nay cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc áp dụng vào thực tiễn vẫn còn chưa được như mong muốn hoặc thực hiện chưa thực sự đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

Để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Thị Lan đề xuất cần có chính sách ưu đãi và quan tâm đủ mạnh; đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng còn nhiều khó khăn, vùng mà chúng ta đang tập trung nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế. "Những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa như thế này rất cần có doanh nghiệp là hạt nhân là đầu kéo mới có thể phát triển được. Cần chính sách ưu đãi miễn/giảm thuế, thuê đất dài hạn có thể 5 đến 10 năm cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ chi phí logistics, kho bãi, đầu tư sơ chế, chế biến để các doanh nghiệp có thể giảm chi phí giá thành sản xuất và cạnh tranh được trên thị trường", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề xuất cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các ngành phụ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp như cơ khí, máy móc, vật tư, hóa chất, đặc biệt là các tổ hợp giống lai tiến bộ... Theo phân tích của đại biểu, nông nghiệp thời gian qua đã khẳng định vai trò, vị thế trong an ninh lương thực đặc biệt xuất khẩu và thặng dư khá lớn (62 tỷ USD doanh số và 14 tỷ USD thặng dư năm 2024); tiềm năng thế mạnh thời gian tới còn khá lớn nếu thúc đẩy khai thác tốt hơn. Tuy nhiên, các ngành phụ trợ thì chưa được phát triển, các sản phẩm phụ trợ nông nghiệp phần lớn đều đang phải nhập khẩu, vừa tiêu tốn ngoại tệ vừa không đảm bảo an ninh ngành hàng.
Do vậy, đại biểu cho rằng, cần có những dự án đặt hàng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển những sản phẩm rất cần thiết cho lĩnh vực nông nghiệp và phụ trợ mà hiện nay việc sản xuất trong nước còn đang khó khăn. Ví dụ năm 2024 ngành rau quả xuất khẩu đến 7,4 tỷ USD nhưng giống rau lai đơn hiện nay vẫn phải nhập giống của nước ngoài đến >90%, mặt hàng tôm xuất khẩu trên 4 tỷ USD nhưng giống tôm bố mẹ vẫn cơ bản phải nhập giống,...
Xây dựng chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Thị Lan, mỗi lĩnh vực cần rà soát kỹ để chọn ra những mảng còn yếu, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng lại có nhiều dư địa phát triển và cần thiết cho đất nước để xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nhiều hơn. Đại biểu dẫn chứng chính sách hỗ trợ nông nghiệp thì phải hỗ trợ cho chế biến sâu và công nghệ cao, công nghệ sinh học, lựa chọn lĩnh vực còn dư địa để tăng lợi nhuận; một số lĩnh vực chế biến tốt rồi thì có thể hỗ trợ ít hơn (như chế biến cafe hay thức ăn gia súc...); còn chế biến nông sản (rau củ quả, hải sản biển...) chế biến sâu còn kém thì cần có chính sách mạnh để thúc đẩy cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Quan tâm đến hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy kinh tế tư nhân, trong đó có nội dung Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo 10.000 Giám đốc điều hành, ĐBQH Nguyễn Thị Lan đánh giá đây là nội dung hết sức quan trọng và thiết thực. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần rà soát nhu cầu của từng ngành từng lĩnh vực cần số lượng doanh nghiệp tối thiểu để thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó xác định số lượng Giám đốc điều hành cần đào tạo cho từng lĩnh vực, xây dựng chương trình đào tạo một cách bài bản để có thể lãnh đạo quản lý doanh nghiệp chuyên nghiệp. Mặt khác, đại biểu cũng đề xuất cần đầu tư các doanh nghiệp tiêu chuẩn để cùng các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện, có nhiều cơ sở thực tế để thực hành, thực tập cho Giám đốc điều hành doanh nghiệp. "Có như vậy thì chúng ta mới có nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy kinh tế tư nhân", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nêu rõ.
Góp ý làm rõ một số nội dung trong dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng, tại mục 2, Điều 3 cần làm rõ là vốn chủ sở hữu và vốn; đồng thời làm rõ doanh nghiệp có vốn nhà nước hoặc vốn doanh nghiệp nhà nước trong 50% chủ sở hữu còn lại hay không. Còn tại mục 4, Điều 3 nên bỏ cụm từ cuối cùng “và có khả năng tăng trưởng nhanh” vì nhiều ý tưởng và sản phẩm nghiên cứu làm ra còn phụ thuộc vào thị trường.
Riêng tại mục 3, Điều 4, đại biểu cho rằng, nên xem xét "miễn thuê đất trong vòng 5 năm" vì theo mục 3, Điều 12 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì “Cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được hưởng các hỗ trợ sau đây: a) Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật; b) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp".