Sáng 26.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khơi thông điểm nghẽn tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tư nhân.
Theo đại biểu Nguyễn Như So, nguồn vốn là trái tim, dòng tiền là dòng máu nuôi sống doanh nghiệp, thế nhưng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại gặp rất nhiều khó khăn, cản trở trong việc tiếp cận vốn. Chỉ 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi đó, các doanh nghiệp này cần rất nhiều nguồn lực tài chính để mở rộng quy mô, đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc thiếu vốn làm giảm khả năng phát triển và đổi mới sáng tạo, đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy “chết yểu”. Do vậy, cần tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng duy trì lãi suất thấp, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn; khuyến khích các ngân hàng thương mại áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để mở rộng cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Đồng thời, cần nghiên cứu, triển khai các chính sách ưu đãi đặc thù đủ mạnh, có sự phân hóa trong các lĩnh vực về thuế, đất đai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tàu có tiềm năng phát triển lớn. Bên cạnh đó, việc thiết lập các "hàng rào kỹ thuật thông minh" sẽ bảo vệ doanh nghiệp tư nhân trong nước trước sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nước ngoài, là chìa khóa vàng giúp doanh nghiệp trong nước có thể đứng vững trước sóng gió của thị trường toàn cầu, đảm bảo cho sản xuất nội địa không bị thua ngay trên sân nhà.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, kích thích tổng cầu nhằm hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đại biểu cho rằng Chính phủ cần quản lý chặt chẽ các yếu tố đẩy giá, ổn định nguồn cung hàng hóa, giữ cho lạm phát dưới mức 3-4% thì nền kinh tế mới có thể đạt được mức tăng trưởng bền vững dựa trên sức mua thực tế, thay vì phụ thuộc vào việc giá cả tăng cao.
Đại biểu Nguyễn Như So cũng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, triển khai quyết liệt và đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, có các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu – một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ xanh nhằm thực hiện mục tiêu "phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050; “bình dân hóa” tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị), tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể làm được. Tính đến hết tháng 3/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt khoảng 637.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế, con số này vẫn còn rất khiêm tốn.
Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số tín dụng xanh của nền kinh tế phải nâng lên 30-40% tổng dư nợ tín dụng, thì sự chuyển biến kinh tế xanh mới được đánh giá là kết quả tốt. Như vậy, chúng ta còn cần nguồn lực rất lớn cho dư địa tăng trưởng này. Có thể thúc đẩy doanh nghiệp bằng cách miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư xanh hoặc áp dụng chính sách tài chính ưu đãi như gói tín dụng lãi suất thấp dành cho các công nghệ xanh, các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, tín chỉ các bon có thể được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 5-7% trong 10-15 năm, thay vì mức thuế suất thông thường là 20% như hiện nay…