Quốc hội và Cử tri

ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang): Miễn, hỗ trợ học phí - chính sách nhân văn, mang tính đột phá

Q. Khánh 23/05/2025 22:25

Tham gia đóng góp ý kiến tại tổ về dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, ĐBQH Lý Thị Lan - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, bày tỏ đồng tình cao với chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Quốc hội, đồng thời kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả khi chính sách được thông qua và đi vào thực tiễn.

Thể hiện rõ cam kết của Nhà nước trong bảo đảm công bằng tiếp cận giáo dục

Đại biểu Lý Thị Lan khẳng định: Chính sách miễn, hỗ trợ học phí được thực hiện từ năm học 2025 - 2026 là một quyết sách mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, học sinh, bất kể vùng miền hay điều kiện kinh tế.

06f84b7a879c32c26b8d.jpg
ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh

Điểm mới được đánh giá cao là việc mở rộng diện thụ hưởng, bao gồm toàn bộ trẻ mầm non từ 3 đến dưới 5 tuổi, học sinh THPT công lập, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, và cả người học tại các cơ sở ngoài công lập. Đại biểu đề xuất cần xem xét mức hỗ trợ học phí cho khối ngoài công lập cần bằng mức hỗ trợ đối với học sinh công lập, thể hiện tư duy công bằng và khuyến khích xã hội hóa giáo dục.

Đại biểu cũng đồng tình cao về cơ chế hỗ trợ ngân sách từ Trung ương cho địa phương chưa cân đối được ngân sách nêu tại khoản 2, Điều 3 của dự thảo.

Từ thực tiễn của địa phương, đại biểu Lý Thị Lan nêu vấn đề, mặc dù Luật Ngân sách Nhà nước quy định các địa phương phải bố trí tối thiểu 20% chi ngân sách cho giáo dục, nhưng với các tỉnh như Hà Giang, với ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào Trung ương, thì phần lớn chỉ đủ cho chi thường xuyên, lương và phụ cấp. Nếu không có sự hỗ trợ về nguồn lực từ Trung ương, sẽ rất khó để các địa phương triển khai hiệu quả chính sách, đặc biệt là các nội dung về phổ cập giáo dục mầm non và thực hiện miễn, hỗ trợ học phí.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về cơ chế bố trí ngân sách cho địa phương chưa cân đối được thu chi, thực hiện thống nhất chính sách ngay từ đầu năm học 2025 - 2026.

Đề xuất cơ chế đặc thù về chuẩn giáo viên, hỗ trợ học sinh nội trú, bán trú

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cũng đề xuất cần có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng và đào tạo giáo viên mầm non tại các huyện vùng cao, như cho phép tuyển học sinh tốt nghiệp THPT tại địa phương, sau đó đào tạo nâng chuẩn. Mô hình đào tạo “cô giáo mầm non cắm bản” là con em đồng bào dân tộc, từng rất hiệu quả ở vùng cao, cũng cần được nghiên cứu khôi phục, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh

Liên quan đến chính sách hỗ trợ học sinh nội trú và bán trú, đại biểu phản ánh hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ về chính sách, cùng một trường, một địa bàn nhưng học sinh được thụ hưởng chính sách khác nhau. Do đó, đại biểu kiến nghị cần xây dựng chính sách mang tính tổng thể, không phân biệt dân tộc hay khoảng cách địa lý, nhằm đảm bảo công bằng cho mọi học sinh trên cùng một địa bàn.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất bổ sung chính sách “sữa học đường” cho học sinh mầm non và tiểu học tại vùng cao, biên giới nhằm cải thiện thể chất, phòng chống suy dinh dưỡng, thấp còi - một trong những vấn đề còn phổ biến ở địa phương.

Trường nội trú - nơi đào tạo cho nguồn cán bộ tương lai

Hệ thống trường nội trú và bán trú dân nuôi đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao biên giới, đồng thời tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số. Nêu vấn đề này, đại biểu Lý Thị Lan cho biết, không ít cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Giang, trong đó có nhiều ĐBQH hiện nay, đều đã từng trưởng thành từ những mái trường nội trú. Vì vậy, đề xuất cần quan tâm đầu tư mở rộng mô hình các trường nội trú, tại các tỉnh vùng cao, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ những phân tích thực tiễn và đề xuất nêu trên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang khẳng định sự đồng thuận cao với chính sách miễn, hỗ trợ học phí của Chính phủ, đồng thời bày tỏ mong muốn Quốc hội sớm thông qua nghị quyết, và Chính phủ có hướng dẫn triển khai cụ thể, đồng bộ, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, nhất là học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

    Nổi bật
        Mới nhất
        ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang): Miễn, hỗ trợ học phí - chính sách nhân văn, mang tính đột phá
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO