ĐBQH là trung tâm trong hoạt động của QH - yếu tố đột phá theo tinh thần Hiến pháp mới

Thu Giang thực hiện; Ảnh: Lâm Hiển 13/06/2014 08:28

* Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện cần là cơ quan của QH và nâng cấp thành Ủy ban của QH * Cần luật hóa chức danh Tổng thư ký QH * Báo Đại biểu nhân dân là cơ quan ngôn luận của QH

Góp ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi), PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ LÊ NHƯ TIẾN cho rằng, theo tinh thần Hiến pháp mới, dự thảo trình QH tại Kỳ họp lần này được thể hiện khá tốt, sửa đổi căn bản cả về nội dung, cơ cấu, bố cục... so với Luật hiện hành. Dự thảo đã xác định ĐBQH là chủ thể trung tâm, giữ vai trò chủ yếu trong hoạt động của QH. Cần luật hóa chức danh Tổng thư ký QH; Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện cần là cơ quan của QH và nâng cấp thành Ủy ban của QH; Báo Đại biểu nhân dân là cơ quan ngôn luận của QH.

ĐBQH là trung tâm trong hoạt động của QH - yếu tố đột phá theo tinh thần Hiến pháp mới ảnh 1Xác định ĐBQH là chủ thể trung tâm trong hoạt động của QH để xây dựng một QH thực sự mạnh và đổi mới

- Đầu tuần tới, QH sẽ thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi), một dự luật quan trọng liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của QH. Ý kiến của Phó chủ nhiệm về dự luật này như thế nào?

- Theo tinh thần của Hiến pháp mới, dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi) trình QH tại Kỳ họp này được thể hiện khá tốt, sửa đổi khá căn bản cả về nội dung, cơ cấu, bố cục... so với Luật hiện hành. Bổ sung nhiều nội dung, quy định tạo điều kiện cho QH, các cơ quan của QH, ĐBQH đổi mới hoạt động phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới hiện nay. Đáng chú ý, trong dự án Luật lần này đã xác định ĐBQH là chủ thể trung tâm, giữ vai trò chủ yếu trong hoạt động của QH. Bởi lẽ nếu không có ĐBQH thì không có các cơ quan của QH và cũng không có QH. Đây là một điều rất mới, khẳng định đề cao vai trò cũng như trách nhiệm của ĐBQH trong việc xây dựng một QH thực sự mạnh và đổi mới. Và chính ĐBQH cũng là chủ thể xây dựng các cơ quan của QH gồm Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mạnh. Do vậy, việc xác định ĐBQH ở vị trí trung tâm của dự luật, đưa ĐBQH quy định ở Chương II ngay sau Chương I về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH là phù hợp. Trong Chương II, dự luật đã quy định rõ hơn về vị trí, vai trò của ĐBQH; tiêu chuẩn ĐBQH; số lượng ĐBQH; ĐBQH hoạt động chuyên trách; ĐBQH hoạt động không chuyên trách; ĐBQH tham gia các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH... Dự luật cũng đã luật hóa rõ hơn các quyền cụ thể của ĐBQH như quyền tiếp xúc cử tri không chỉ ở nơi ứng cử mà có thể tiếp xúc với cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị luật, pháp lệnh; quyền chất vấn; quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm; quyền khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật; quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin; quyền tham dự Kỳ họp HĐND; trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý kiến nghị khiếu nại, tố cáo của công dân... Cùng với quyền và trách nhiệm, dự luật lần này đã quy định về  các điều kiện bảo đảm cho các hoạt động của ĐBQH; Đoàn ĐBQH và Tổ ĐBQH. Đây là những tiến bộ lớn so với Luật hiện hành, đặt ĐBQH là trung tâm, tạo nên hiệu quả các hoạt động của QH.

Luật sửa đổi lần này dành một điều (Điều 57) quy định về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH. Theo đó, ĐBQH được hỗ trợ kinh phí để thực hiện chế độ thuê chuyên gia; ĐBQH hoạt động chuyên trách được bố trí nơi làm việc và thư ký giúp việc... Trong Luật Hoạt động giám sát của QH hiện hành quy định ĐBQH có thể tự mình giám sát những vấn đề quan tâm nhưng thực tế chưa quy định cụ thể điều kiện, chế tài để ĐBQH thực hiện được quyền hạn này. Chẳng thế mà, trong nhiệm kỳ QH Khóa XII, khi một ĐBQH TP Hà Nội tự mình tiến hành giám sát vấn đề quan tâm thì đã bị các cơ quan chức năng giữ lại vì cho rằng không đủ thẩm quyền. Hay trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định ĐBQH có quyền đưa ra sáng kiến pháp luật, nhưng thực tế không có điều kiện bảo đảm kèm theo để hỗ trợ ĐBQH tự mình đưa ra sáng kiến pháp luật. Như vậy, rõ ràng, những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của các ĐBQH đã được kiểm nghiệm thực tiễn và được điều chỉnh bằng Luật. 

Trong dự thảo Luật lần này xác định cùng với hai kỳ họp, thì hoạt động thường xuyên và giữa kỳ họp của QH chính là hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Khẳng định và đề cao vai trò của các cơ quan QH là trung tâm xây dựng pháp luật và giám sát cũng như quyết định các vấn đề quan trọng thì các cơ quan của QH phải là những người chịu trách nhiệm chính trước khi các dự luật hay Báo cáo kết quả giám sát, các quyết định quan trọng được trình QH. Nói cách khác, trong lần sửa đổi này, Luật Tổ chức QH đã xác định rõ hơn vai trò, vị trí là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH là công xưởng, là đầu dây thần kinh của QH. Và để phát huy được vai trò này, dự luật đã quy định về việc tăng hợp lý tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, theo đó, tỷ lệ này sẽ chiếm ít nhất 35% tổng số ĐBQH.

- Quy định nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên mức ít nhất 35% có khả thi không vì hiện nay tỷ lệ này mới đạt 25%, thưa Phó chủ nhiệm?

- Trong phiên thảo luận ở Tổ sáng 3.6 vừa qua, nhiều ĐBQH đề nghị nên xác định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách từ 40% hoặc 45% trở lên, hướng tới một QH hoạt động ngày càng chuyên trách và chuyên nghiệp hơn. Tôi tán thành với quy định trong dự luật, bảo đảm QH sẽ có ít nhất 35% số ĐBQH hoạt động chuyên trách. Đây là cận dưới và nếu đạt được tỷ lệ trên 35% thì càng tốt. Luật không hạn chế tỷ lệ tối đa ĐBQH hoạt động chuyên trách. Luật hiện hành quy định 25% số ĐBQH hoạt động chuyên trách. Việc sửa đổi theo hướng tăng thêm 10% số ĐBQH hoạt động chuyên trách có nghĩa là tăng tương đương khoảng 50 đại biểu nữa thực sự là cố gắng lớn. Bởi tăng 10% nhưng còn kèm theo đó là các điều kiện về cơ cấu, tính đại diện, yêu cầu chuyên môn phù hợp với các Ủy ban, nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm cho ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Nghị viện nhiều nước trên thế giới không phân biệt ĐBQH hoạt động chuyên trách và kiêm nhiệm. Đã là ĐBQH đều hoạt động chuyên trách và trong cơ cấu của QH cũng không có bóng dáng, đại diện của cơ quan hành pháp, tư pháp. Họ rất rạch ròi trong phân chia các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đương nhiên, ở ta tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị khác với các nước. QH là cơ quan đại biểu đại diện cao nhất của nhân dân, nên không thể thiếu đại diện của các ngành, các giới, các dân tộc, dân tộc, lứa tuổi, đơn vị hành chính...

Tỷ lệ này là khả thi, bởi xu hướng là sẽ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Theo đó, ngoài cơ cấu cứng Chủ tịch, Chủ nhiệm, các Phó chủ tịch, Phó chủ nhiệm và Ủy viên thường trực thì còn có một số ĐBQH hoạt động chuyên trách không là Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Họ hoàn toàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH chuyên trách. Trước đây, mô hình các Ủy ban của QH thường là 1-4-4 (1 Chủ nhiệm, 4 Phó chủ nhiệm và 4 Ủy viên thường trực) thì sắp tới có thể sẽ là 1-5-5 và có thêm một số ĐBQH hoạt động chuyên trách không thường trực. Còn ở địa phương thì không nhất thiết chỉ có một ĐBQH hoạt động chuyên trách là Trưởng đoàn hoặc Phó trưởng đoàn mà có thể nhiều hơn. Nếu tỷ lệ và cơ cấu này được thông qua thì số lượng đại biểu chuyên trách tăng thêm ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và các địa phương sẽ đạt tỷ lệ 35% hoặc hơn là hoàn toàn khả thi.

- Việc tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách là cần thiết, nhưng có lẽ vấn đề cử tri quan tâm và chờ đợi hơn cả là tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách tăng sẽ tỷ lệ thuận với chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH, các cơ quan của QH và ĐBQH...?

- Tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách cần tăng lên, nhưng đúng là tăng thế nào cho phù hợp và khả thi. Không phải cứ tăng nhiều, thậm chí có ý kiến đề nghị tăng lên 50%, chiếm tổng số ĐBQH, nhưng vấn đề là chất lượng, hiệu quả và các điều kiện bảo đảm để ĐBQH chuyên trách có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Hiện nay, số lượng ĐBQH đại diện cho các cơ quan hành pháp còn nhiều, ngoài thời gian dành cho QH, họ còn phải chỉ đạo, điều hành các công việc của cơ quan, ngành mình.

Việc khẩn trương sửa đổi Luật Tổ chức QH ngay sau khi Hiến pháp có hiệu lực là đúng và kịp thời. Nhưng nếu như cùng với Luật Tổ chức QH, QH có thể xem xét luôn các luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức HĐND và UBND... thì có lẽ vấn đề tổ chức bộ máy sẽ toàn diện và được xem xét một cách tổng thể hơn. Ví dụ mối liên hệ giữa lập pháp và hành pháp như thế nào? Vừa qua, nhiều ý kiến cũng cho rằng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách còn bị ràng buộc bởi số lượng ĐBQH là thành viên của cơ quan hành pháp còn nhiều. Vậy số đại biểu đại diện cho cơ quan hành pháp, tư pháp tham gia QH bao nhiêu là vừa? Rồi đại biểu đại diện cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể...? Hay những chế định ĐBQH có thể đồng thời tham gia đại biểu HĐND không? Nếu không xử lý thì tuy cùng cơ quan dân cử, nhưng cùng lúc đại biểu phải căng ra để thực hiện cả nhiệm vụ đại biểu dân cử ở Trung ương và địa phương thì có đủ thời gian tập trung cho các hoạt động của QH không? Rõ ràng nếu xem xét đồng bộ các luật về tổ chức bộ máy nhà nước như thế thì sẽ có thể hình dung rõ hơn về tổ chức cơ quan lập pháp, hành pháp thế nào... Còn nếu cắt rời xem xét từng luật như thế này thì khó nghiên cứu, bàn một cách hệ thống, thậm chí dễ bị chồng chéo giữa các luật. Nhưng vì chuẩn bị chưa kịp nên một số luật như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Bầu cử ĐBQH... chưa trình QH cùng với Luật Tổ chức QH.

- Không chỉ có Chương về ĐBQH mà nhiều nội dung khác như UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, Ban của UBTVQH... cũng được đưa ra sửa đổi, bổ sung lần này... Những sửa đổi, bổ sung có điểm gì mới so với Luật hiện hành không, thưa Phó chủ nhiệm?

- UBTVQH chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Đây không những là sự cụ thể hóa quy định của Hiến pháp mà UBTVQH còn được giao thêm một số quyền năng. Ví dụ trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH phê chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại các nước. Thẩm quyền này theo Luật hiện hành thuộc về Chủ tịch Nước thì nay chuyển sang UBTVQH.

Dự thảo cũng quy định một số thiết chế mới, phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay như Tổng thư ký QH, đảm trách hai nhiệm vụ: Trưởng đoàn thư ký Kỳ họp và Chủ nhiệm VPQH. Thực ra hiện nay Chủ nhiệm VPQH đã đảm trách hai nhiệm vụ này, vừa là người đứng đầu VPQH, phát ngôn của QH, đồng thời là Trưởng đoàn thư ký Kỳ họp, nhưng chưa danh chính ngôn thuận. Nếu lần này luật hóa được chức danh này tôi cho là phù hợp với thực tế cả về mặt đối nội và đối ngoại, thực tiễn các nước trên thế giới phần lớn đều tổ chức mô hình Tổng thư ký QH.

Luật Tổ chức QH (sửa đổi) lần này nên khẳng định vị trí của Báo ĐBND là cơ quan ngôn luận của QH, là tiếng nói của QH

- Trong dự thảo Luật lần này có đặt vấn đề nâng cấp hai Ban của UBTVQH là Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện lên thành cơ quan của QH. Theo Phó chủ nhiệm đề nghị đã chín để xem xét luật hóa hay chưa?

- Trước đây chúng ta quy định Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện, Ban Công tác lập pháp thuộc UBTVQH, do UBTVQH lập ra, giúp UBTVQH thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ĐBQH, công tác dân nguyện, lập pháp. Sau này Ban Công tác lập pháp không còn nữa và chúng ta thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp. Luật hiện hành quy định Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH; Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban của QH là các cơ quan của QH. Vừa qua, tại các hội thảo, hội nghị về tổ chức bộ máy của QH, nhiều ý kiến đề nghị nâng cấp hai Ban này trở thành Ủy ban của QH. Nhưng do điều kiện chưa chín muồi nên trong dự thảo trình QH lần này, thể hiện hai Ban này là cơ quan thuộc QH. Là cơ quan thuộc QH, nhưng từ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hai Ban hoàn toàn do UBTVQH quyết định. Như vậy, bản chất là cơ quan thuộc QH, không phải cơ quan của QH. Thực tế, Trưởng Ban là Ủy viên UBTVQH thì phải do QH bầu, nhưng chức danh Trưởng ban trong dự thảo Luật ghi rõ là UBTVQH quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm và quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hai Ban. Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị nâng cấp Ban Dân nguyện lên thành Ủy ban Dân nguyện của QH là phù hợp, với lý do đây không phải là cơ quan chỉ có nhiệm vụ chuyển đơn thư mà phải hướng tới là cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, thậm chí là xử lý những vụ việc dân nguyện gửi tới QH, các cơ quan của QH, cùng các cơ quan khác của nhà nước khác xử lý công tác dân nguyện. QH là cơ quan đại diện của nhân dân, do nhân dân bầu ra, thay mặt nhân dân để thực hiện chức năng giám sát, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nhưng vị trí cơ quan dân nguyện lại chưa được đặt xứng tầm. Lâu nay Ban Dân nguyện chỉ được xem như một đơn vị trung chuyển ý nguyện của nhân dân tới QH, các cơ quan của QH là chưa đúng. Theo tôi, cần thiết phải nâng cấp Ban Dân nguyện thành cơ quan của QH, trực tiếp cùng các cơ quan trong bộ máy nhà nước tham gia giải quyết kịp thời, triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo và ý nguyện của nhân dân thuộc thẩm quyền của QH, các cơ quan của QH.

- Thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi), một số ĐBQH có đề cập đến Báo ĐBND. Ý kiến của Phó chủ nhiệm về nội dung này như thế nào?

- Trong mục đích, tôn chỉ của tờ báo ghi rõ: Báo ĐBND là tiếng nói của QH; diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri. Theo tôi, với vị thế rõ ràng như vậy và thực tế hoạt động đã chứng minh tính đúng đắn và sự cần thiết có một tờ báo của QH thì trong lần sửa đổi Luật Tổ chức QH này nên khẳng định vị trí của Báo ĐBND: đây là cơ quan ngôn luận của QH, là tiếng nói của QH. Mà đã là tiếng nói của QH thì ít nhất vị thế của tờ báo cũng phải là thuộc UBTVQH. Cho nên việc luật hóa địa vị pháp lý của Báo ĐBND trong Luật Tổ chức QH (sửa đổi) lần này tôi cho là hợp lý, là cơ sở để tờ báo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thông tin các hoạt động của QH và thực sự là tiếng nói của QH, thực sự là diễn đàn không chỉ của ĐBQH mà còn của HĐND và cử tri cả nước.

Được biết, trong nhiệm kỳ QH Khóa XII, UBTVQH Khóa XII đã thông qua Nghị quyết 816 về việc nâng cấp và đổi tên từ Báo Người Đại biểu nhân dân thành Báo Đại biểu nhân dân – Báo loại I, cấp Tổng cục. Đây là quyết định đúng đắn. Những năm qua, Báo ĐBND đã phát triển không ngừng cùng với sự phát triển của QH, các cơ quan của QH, từ chỗ là một tờ Tạp chí Người đại biểu nhân dân 3 tháng ra một kỳ, sau đó là 2 tháng, rồi 1 tháng một kỳ, đã lớn mạnh trở thành tuần báo Người đại biểu nhân dân và hiện nay là nhật báo Đại biểu nhân dân. Diện mạo của tờ báo cũng được đổi mới, ngày càng đẹp hơn. Nội dung có nhiều cải tiến, đổi mới với chất lượng ngày càng sâu sắc hơn, bám sát diễn biến thời sự của QH, các cơ quan của QH và ĐBQH, không chỉ đưa tin thông thường mà còn có nhiều bài bình luận mang tính chất định hướng cho các hoạt động của QH, ĐBQH. Đáng mừng hơn cả, tôi nhận thấy Báo ĐBND có một sự phát triển rất nhanh cùng sự phát triển và đổi mới của QH. Tôi tin rằng, trong nhiệm kỳ QH tới, Báo ĐBND chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cho nên, việc tại phiên thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi) vừa qua, một số ĐBQH đề nghị luật hóa địa vị pháp lý của Báo ĐBND là hoàn toàn phù hợp với thực tế, khả thi, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của các hoạt động của QH trong tình hình mới. Theo đó, Báo ĐBND nên là cơ quan thuộc UBTVQH do một Phó chủ tịch QH chỉ đạo về nội dung. Nếu được QH chấp thuận thông qua thì không đơn thuần chỉ là sự xác lập địa vị pháp lý cao hơn cho Báo ĐBND một cách chính danh mà sẽ phù hợp với tốc độ phát triển chung của QH, các cơ quan của QH. Luật hóa một nội dung đã từng được thể hiện trong Nghị quyết của UBTVQH (Nghị quyết 816) và được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp, sẽ tạo điều kiện để Báo ĐBND thực sự là tiếng nói của QH một cách chính thống hơn, rộng mở hơn không chỉ phạm vi trong nước mà cả quốc tế.

Mặt khác, nhìn vào các tờ báo khác trong hệ thống báo chí nước ta, thông thường tờ báo của một Bộ tương đương với cấp vụ, thì Báo ĐBND là tiếng nói của QH, tiếng nói của Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban của QH, tương đương với 10 Bộ, mà lại chỉ ở cấp Vụ thì có hợp lý không? Thực tế cho thấy rằng, Báo ĐBND phải có địa vị pháp lý cao hơn. Tôi tin chắc, là cơ quan trực thuộc UBTVQH, do UBTVQH trực tiếp chỉ đạo thì tờ báo chỉ có tốt hơn về cả nội dung và thẩm quyền. Trong tình hình hiện nay, khi mà mọi hoạt động của QH, các cơ quan của QH đều rất công khai, minh bạch và cử tri, nhân dân có quyền và có nguyện vọng chính đáng được lắng nghe, theo dõi tất cả các hoạt động của QH, ĐBQH, cơ quan và những người đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của mình, cùng với việc sắp cho ra đời kênh Truyền hình QH thì việc xác định địa vị pháp lý của Báo ĐBND là cơ quan trực thuộc UBTVQH là đúng đắn và cần thiết. Nói cách khác, đã chín muồi cả về lý luận cũng như thực tiễn để xem xét quyết định và luật hóa vị trí, vai trò của Báo ĐBND trong Luật Tổ chức QH (sửa đổi). Và cũng phải xác định luôn Báo ĐBND là cơ quan do UBTVQH thành lập, thuộc UBTVQH.

- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

    Nổi bật
        Mới nhất
        ĐBQH là trung tâm trong hoạt động của QH - yếu tố đột phá theo tinh thần Hiến pháp mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO