Chính trị

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) Rõ trách nhiệm sàn thương mại điện tử, thống nhất chính sách thuế

Diệp Anh 17/05/2025 13:02

Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng 17/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đã nêu ba nhóm ý kiến, tập trung vào trách nhiệm của sàn thương mại điện tử; tính thống nhất trong các chính sách thuế; và việc làm rõ khái niệm phân loại nhóm hàng hóa theo mức độ rủi ro

Kiểm soát hàng hóa trên sàn thương mại điện tử cần sát thực tiễn

Về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, đại biểu cho biết: trong bối cảnh hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, việc bảo đảm chất lượng hàng hóa giao dịch qua sàn là yêu cầu rất cấp thiết. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, số vụ vi phạm liên quan đến hàng hóa trên sàn thương mại điện tử trong năm 2024 đã tăng 266% so với năm 2023. Điều này cho thấy tình trạng hàng hóa vi phạm, giả mạo ngày càng phức tạp.

z6610287752822_a6870cfe21fa11bf7d0b46dfd562d609.jpg
ĐBQH Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Bày tỏ đồng thuận với các quy định tại Điều 44b (đã bám sát thông lệ quốc tế), đại biểu đề nghị cần xem xét mối quan hệ giữa quy định này với Dự thảo Luật Giao dịch điện tử. “Nghị quyết số 219 của Chính phủ ngày 12.11.2024 đã giao Bộ Xây dựng dự thảo luật này để trình Quốc hội trong thời gian tới. Trong đó, nhiều nội dung đã quy định cụ thể trách nhiệm của nền tảng trung gian, sàn thương mại điện tử và các chủ thể liên quan. Nếu tiếp tục quy định nội dung tương tự tại luật này sẽ dẫn đến trùng lặp. Do đó, chỉ nên quy định tại một luật để bảo đảm tính thống nhất - đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến trách nhiệm của sàn trong việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành nền tảng, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng: quy định này chưa phù hợp. Các sàn thương mại điện tử hiện không có đủ năng lực hay thẩm quyền để chủ động xác minh, giám sát nguồn gốc hàng hóa. Trên thực tế, họ chỉ có thể yêu cầu nhà bán hàng cung cấp thông tin, lưu trữ dữ liệu và phối hợp với cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Việc yêu cầu sàn phải chịu trách nhiệm xác minh nguồn gốc có thể khiến họ phải chịu trách nhiệm với những hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, làm rõ và xử lý quy định này phù hợp.

Đối với quy định sàn phải gỡ bỏ hoặc ngăn chặn hiển thị sản phẩm vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng hoặc người tiêu dùng, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đồng tình với tinh thần của quy định này. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và minh bạch, đại biểu cho rằng: cần bổ sung yêu cầu phản ánh phải thể hiện rõ hành vi vi phạm, có căn cứ pháp lý cụ thể, mô tả rõ mặt hàng vi phạm; phải có cơ chế để nhà bán hàng được quyền phản hồi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, bổ sung thêm chủ thể có thể yêu cầu gỡ bỏ, cụ thể là các tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu trí tuệ.

Tránh chồng chéo chính sách thuế và phân loại hàng hóa

z6610288330046_69b8c9f849d7d595d75b02dea4918d6c.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An dự phiên họp sáng 17/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hạ tầng tiêu chuẩn quốc gia (quy định tại Điều 7b), đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng: dự thảo đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số nội dung còn trùng lặp với các luật thuế hiện hành... Ví dụ, khoản 6 quy định về khấu trừ chi phí vào thuế thu nhập doanh nghiệp; khoản 7 về giảm thuế trong 2 năm cho doanh nghiệp thuộc nhóm được ưu đãi; khoản 8 về miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

z6610289184797_d4155005b39972003074c471242f1124.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An dự phiên họp sáng 17/5. Ảnh: Nghĩa Đức

“Những nội dung này đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó, đại biểu đề nghị chuyển các nội dung này sang các luật thuế tương ứng để bảo đảm tính thống nhất và tránh xung đột giữa các luật”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh.

Về khái niệm “sản phẩm hàng hóa nhóm 2” trong quản lý rủi ro, đại biểu nêu: Dự thảo quy định, từ khi luật có hiệu lực, cụm từ “sản phẩm hàng hóa nhóm 2” được hiểu là hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình hoặc cao.

“Quy định này chưa đủ rõ ràng. Hiện nay, chúng ta đã chuyển từ cơ chế phân loại hàng hóa hai nhóm sang ba nhóm rủi ro. Nếu không làm rõ cách hiểu và cách áp dụng cụ thể với từng nhóm thì sẽ khó thống nhất cơ chế quản lý, đặc biệt là giữa nhóm rủi ro trung bình và rủi ro cao”, đại biểu nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan để sửa đổi phù hợp - vừa bảo đảm yêu cầu quản lý theo mức độ rủi ro, vừa thực hiện đúng trách nhiệm rà soát khi ban hành văn bản pháp luật mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) Rõ trách nhiệm sàn thương mại điện tử, thống nhất chính sách thuế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO