Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm

- Thứ Ba, 26/10/2021, 16:36 - Chia sẻ
Theo thống kê, đến hết tháng 9.2021, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 47,38% kế hoạch được giao, trong đó, có 36 bộ, cơ quan Trung ương và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%; chỉ có 4 cơ quan Trung ương và 11 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 60%.

Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là dịch Covid-19 với biến thể mới diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn, vùng kinh tế động lực của cả nước; giá vật liệu xây dựng tăng; việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, huy động nhân lực khó khăn do phải thực hiện giãn cách xã hội...

Dù vậy, theo đánh giá, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, cụ thể, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế; sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm chính trị. Vai trò người đứng đầu chưa được phát huy, công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém nên vướng mắc khi triển khai; việc phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế. Công tác thẩm định, tư vấn còn chậm; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án còn bất cập; một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực; kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, việc xử lý các vi phạm, chậm trễ trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công chưa kịp thời, nghiêm minh; việc sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật còn chậm...

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện 7776/CĐ-VPCP ngày 25.10 gửi các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công điện nêu rõ: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2021 còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII cũng đã xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 là chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Do đó, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong những tháng cuối năm 2021. Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại bộ, cơ quan, địa phương; thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao. Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong tháo gỡ các khó khăn về thể chế, tạo điều kiện cho thực hiện và giải ngân. Tuy nhiên, đây gần như là "bệnh mãn tính", bởi vậy, ngoài việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, điều quan trọng là cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Ninh Khương