Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức tại Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ với chủ đề Tăng trưởng kinh tế “2 con số” vùng Đông Nam Bộ năm 2025: “Thách thức, cơ hội và giải pháp” vừa được diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tập trung tối đa nguồn lực thực hiện dự án giao thông trọng điểm
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh: Đồng Nai nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối vùng. Do đó, tỉnh luôn tập trung tối đa nguồn lực triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Theo quy hoạch hệ thống giao thông được duyệt, đối với hệ thống đường bộ, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến đường cao tốc; 2 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài hơn 280km. Về đường sắt, Đồng Nai được quy hoạch 4 tuyến đường sắt quốc gia gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và Dự án Đường metro kéo dài kết nối Biên Hòa - Suối Tiên. Quy hoạch hệ thống cảng biển, đường thủy nội địa, cảng cạn với 42 cảng biển, 9 cảng cạn (ICD) và 15 tuyến sông nội địa, với chiều dài hơn 153km.
Riêng đối với hàng không, Đồng Nai là một trong số ít các địa phương được quy hoạch có 2 cảng hàng không (sân bay) với Sân bay Long Thành đang triển khai thi công và Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 4 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai xây dựng gồm: Sân bay Long Thành; các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Về tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết: đối với Dự án Sân bay Long Thành, đến nay, đã bàn giao toàn bộ mặt bằng thực hiện dự án cũng như mặt bằng thi công 2 tuyến giao thông kết nối sân bay. Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng và thi công dự án thành phần 1. Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dự án Đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh sẽ xử lý dứt điểm, bàn giao 100% mặt bằng trong tháng 12.2024; tiến độ xây dựng, đoạn qua địa bàn tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4.2026. Riêng Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, tỉnh đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư.
Chủ động triển khai trước các khu vực thương mại, dịch vụ
Đồng Nai được chọn để đặt địa điểm xây dựng Sân bay Long Thành - Sân bay lớn nhất cả nước. Qua đó, tỉnh xác định Sân bay Long Thành, sông Đồng Nai là 2 lợi thế cực kỳ lớn trong quá trình phát triển thời gian tới.
Cùng với đó, trong quy hoạch tỉnh cũng đã xác định khu vực đô thị Sân bay Long Thành gồm: khu vực đô thị Sân bay Long Thành, huyện Long Thành và một phần huyện Nhơn Trạch - Là khu vực được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị sân bay đã được áp dụng thành công trên thế giới, mang đến nhiều sự đột phá tích cực như: Sân bay Dubai, Sân bay Frankfurt (Đức) và Sân bay Changi (Singapore).
Đối với đô thị Long Thành, hiện nay, Sở Xây dựng đang tổ chức thi tuyển quốc tế để tìm ý tưởng quy hoạch đô thị Long Thành và vùng phụ cận. Theo kế hoạch thi tuyển cuối tháng 12.2024 sẽ công bố kết quả. Trên cơ sở kết quả thi tuyển sẽ quyết định chọn đơn vị tổ chức lập đồ án quy hoạch chung đô thị Long Thành, dự kiến trình thẩm định và phê duyệt trong tháng 6.2025. Còn đối với đô thị Nhơn Trạch, mục tiêu đặt ra là phát triển trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ cảng, đô thị dịch vụ du lịch cấp vùng, đô thị vệ tinh đối trọng với trung tâm vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2026. Tuy nhiên, đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị Long Thành đang trong giai đoạn lập quy hoạch. Do đó, để phục vụ khai thác Sân bay Long Thành giai đoạn 1, tỉnh Đồng Nai đã chủ động lựa chọn một số khu vực được quy hoạch chức năng thương mại dịch vụ (khách sạn, trung tâm thương mại…) tại vị trí tuyến đường T2 và nút giao quốc lộ 51 để triển khai đầu tư trước.
Đồng thời, để phục vụ khai thác Sân bay Long Thành giai đoạn 1, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với sân bay cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, Đồng Nai cùng lúc phải thực hiện nhiều dự án nên việc cân đối ngân sách còn gặp khó khăn. Chính vì vậy, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn vốn thực hiện một số dự án như: Dự án Tiêu thoát nước khu vực ngoài Sân bay Long Thành (giai đoạn 1); Dự án Đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đôn đốc Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam khẩn trương hoàn tất hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sớm thực hiện Dự án Mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để bảo đảm việc kết nối với Sân bay Long Thành đưa vào khai thác năm 2026; sớm thi công hoàn tất, đưa vào khai thác toàn bộ tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Sân bay Long Thành.
Bên cạnh đó, đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành để chia sẽ lưu lượng cho hệ thống đường bộ. Đầu tư tuyến quốc lộ 20B (đường ĐT 769E) và nút giao với đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây để tạo thêm hướng kết nối khu vực phía Bắc Sân bay Long Thành.